2. Những nguy hiểm trong đời sống tương lai

A. Phương diện khách quan 

Nguy cơ gây ra tổn hại và nguy hiểm không dừng lại với cái chết. Theo triết lý Phật giáo, chết là để mở đầu cho một kiếp sống mới và như thế có nguy cơ đưa đến đau khổ nữa. Đức Phật dạy rằng tất cả chúng sanh bị tham ái và vô minh cột trói mà phải chịu luân hồi sanh tử. Khi nào động cơ này còn thúc đẩy chúng sanh đi tìm sự sống, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp tục sau cái chết, đem theo tưởng và hành ở kiếp sống quá khứ. Không có linh hồn luân chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác, chỉ có dòng tâm thức không ngừng biến chuyển đưa chúng sanh đi tìm một hình thức sống mới phù hợp với hành nghiệp của người ấy sau khi chết.

Theo Phật giáo, một người sau khi chết có thể tái sanh vào một trong sáu cõi. Thấp nhất trong sáu cõi này là địa ngục, cảnh giới vô cùng đau đớn và khổ sở. Những người nào sanh thời tạo các nghiệp ác bị sanh về cảnh giới này mang theo nghiệp của mình. Tiếp đến là cảnh giới súc sanh. Cảnh giới này cũng rất khổ và bị quyền hành bạo lực hung tàn thống trị. Tiếp đến là cảnh giới ngạ quỷ, những chúng sanh sống trong bóng tối chịu đau khổ vì lòng tham ái mãnh liệt không bao giờ thỏa mãn. Trên ba cảnh giới này là cảnh giới người, một cảnh giới bao gồm cả khổ lẫn vui, cả thiện lẫn ác. Trên cõi người là cảnh giới A-tu-la, cảnh giới của những chúng sanh khổng lồ với tâm đầy ganh tỵ và tham vọng. Trên cùng là các cảnh giới chư thiên dành cho chư thiên, chư thần cư trú.

Tái sanh vào ba cảnh giới đầu tiên – địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ – cùng với cảnh giới A-tu-la gọi là “ác thú” hoặc “khổ giới”. Gọi như vậy vì ở các cảnh giới này khổ sở nhiều hơn. Ngược lại, cảnh giới người và các cảnh giới chư thiên được gọi là “thiện thú” vì ở đấy, hạnh phúc nhiều hơn. Tái sanh vào các ác thú là một điều bất hạnh vì không chỉ chịu đựng khổ đau trong cảnh giới ấy mà còn lý do khác nữa. Tái sanh vào đấy vô cùng khổ sở vì thoát ra khỏi các ác thú này rất khó khăn. Được tái sanh lên cảnh giới cao hơn là nhờ tạo thiện nghiệp, tuy nhiên chúng sanh ở các ác thú ít có cơ hội tạo thiện nghiệp nên khổ trong các cảnh giới này cứ thế xoay vần mãi không dứt ra được. Đức Phật ví như có một khúc gỗ có một lỗ duy nhất, như một bộng cây trôi dạt ngoài biển, và con rùa mù sống trong biển trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần. Ấy thế mà con rùa mù chui đầu vào đúng cái lỗ trong bộng cây còn dễ hơn người ở các ác thú được tái sanh làm người. Vì hai lý do này – tái sanh ở ác thú vô cùng khổ sở và rất là khó thoát khỏi các cảnh giới khổ ấy – tái sanh về các ác thú là một điều nguy hiểm vô cùng cho kiếp sống tương lai, do đó chúng ta cần sự che chở khỏi hiểm nguy này.
B. Phương diện chủ quan


Bhikkhu Bodhi
Ngọc An dịch