Nội dung cuộc sống của phần đông chúng ta là lo âu, xao xuyến; và nội dung cuộc đời là gồm mọi hoạt động của con người từ khi sanh ra đến khi xuống mồ. Mọi hoạt động của con người đêu xoay theo thất tình lục dục, hai chiều sớm tối, ăn ngủ, đi chơi, gấp gấp… Cái gì cũng gấp.
Thói quen tạo dần cho mọi người thành cái bánh xe nhỏ bé trong guồng máy vĩ đại của xã hội công nghiệp, bị khép kín trong vòng quay không ngừng của giờ giấc, của kim đồng hồ. Hăm bốn giờ ta luôn luôn phóng mình vào mọi chuyện nghe, nhìn, suy nghĩ, hoặc sầu muộn, lo âu hoặc vui hờ thoáng qua để rồi lại bận biệu mọi thứ khác… Cứ thế mà quay lăn trong suốt kiếp.
Tâm thức chúng ta trói chặt trong mọi trói buộc. Trói buộc vì của cải, trói buộc vì đời sống vật chất, quyền lợi, tinh thần, tình cảm, gia tộc… và mọi thứ trên đời. Cứ thế mà lao tới như cỗ xe vun vút thâu gọn đường trường cho mau tới điểm cuối cùng là bến đổ.
Điểm cuối cùng của đời người là nắm mồ với một số lượng nước mắt nào đó. Trong vô số kiếp sanh ra và chết đi, biết bao lần ta đã bỏ xác ngoài bãi tha ma!
Một số người thông thái hơn, biết thắc mắc, biết đặt câu hỏi đâu là chân ý nghĩa cuộc sống, ngoài mọi chuyện ăn ngủ… quá bình thường này. Từ đó phát sanh ra nhiều trường phái triết học, họ cống hiến cho nhân loại những thái độ sống, những nhân sanh quan khác nhau. Có người cũng tạm an ổn với một giải đáp nào đó, nhưng nhìn chung trên thực tế thì vấn đề ý nghĩa cuộc đời đến nay vẫn là một vấn đề lớn của nhân loại.
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật đã giác ngộ, thấu hiểu được ý nghĩa rốt ráo của vũ trụ nhân sanh. Dưới ánh sáng giác ngộ của Đức Phật, vũ trụ được nhận biết như một hiện thực tồn tại trong lý duyên khởi, trong khi ý nghĩa nhân sanh được nhấn mạnh trước nhất là bản chất đau khổ luôn bao trùm. Đức Phật cũng là người đầu tiên đưa ra và giải quyết rốt ráo vấn đề này: đâu là nguyên nhân của đau khổ?.
Đức Phật đưa ra bốn chân lý cần thiết phải nhận rõ để có thể chấm dứt mọi đau khổ. Trên ý nghĩa có tính chất triết học thì chân lý thứ nhất, Khổ đế, đòi hỏi con người phải thức tỉnh và nhận biết một sự thật bao trùm cả cuộc đời này, từ đó mới xác định đúng được tình trạng mà mình đang gánh chịu không phương tránh né. Có nung nấu trong một nhận thức đúng thật về đau khổ thì mới có sự chê chán, ghê sợ và khác khao tìm ra phương thức để chấm dứt đau khổ. Khi đã nhận thức được khổ đau và những nguyên nhân dẫn đến khổ đau thì mới có chí nguyện buông bỏ mọi sự đam mê, tham đắm. Chỉ có Đức Phật mới khám phá ra cội nguồn của mọi đau khổ và cũng chỉ có Đức Phật mới đưa ra được phương pháp đúng đắn nhất để chấm dứt đau khổ.
Cội nguồn của mọi sự tái sanh là ái dục. Muốn chấm dứt đau khổ tái sanh thì phải cắt bỏ mọi dính mắc (chấp trước). Chúng ta bị dính mắc vào mọi thứ trên trần thế. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, Đức Phật dạy rằng "Ta từ khi thành Phật đến nay đã dùng đủ mọi nhân duyên, đủ mọi thí dụ, giảng giải rộng thuyết vô số phương tiện, nhằm dẫn dắt chúng sanh lìa bỏ mọi sự vướng mắc, chấp trước". Lìa bỏ chấp trước, không còn vướng mắt tức là ra khỏi mọi trói buộc, là có được an lạc, giải thoát. Những ai đã bừng tỉnh nhìn lại đời mình, thấy được giá trị cao cả của tâm linh thì không còn ham mê đời sống vật chất hướng ngoại nữa. Quan trọng là phải nhận thức đúng và sâu, từ đó thấp sáng chân ý nghĩa cuộc sống thì mới vươn mình thoát khỏi mọi thói quen tràn ngập đang ngày đêm vay bủa mọi suy tư, giác quan, tâm hồn.
Bước đầu tiên để tiến lên đường tu tập chân chánh theo Phật pháp là phải " hàng phục kỳ tâm", nghĩa là làm chủ được mọi móng động của tâm ý mình. "Hàng phục kỳ tâm" là pháp tu cốt tuỷ của mọi pháp tu. Chưa có nội hướng vững chắc, kiên cố, thường xuyên như dòng sông chảy xiết thì chưa có khả năng đi vào thành trì của giác ngộ chân thật. Tu tập là một sự chuyển hướng dữ dội. Tu tập không có nghĩa là đè ép, mà là đổi hướng, là chuyển hoá, giải trừ. Giải trừ có ý thức một thói quen xấu là tu tập, có chuyển biến tâm linh. Như thế đòi hỏi chung ta phải thường xuyên tỉnh thức, tập trung vào một đức tính nào đó để thu hút tâm ý, như đoạn ái, xả ly chẳng hạn, nghĩa là luôn nhớ đến nó không lãng quên phút nào. Lâu dần ta nuôi dưỡng được tinh thần đoạn ái, xả ly vững chắc, buông bỏ được mọi thói xấu.
Như thế, ta luôn biết mình sống, sống ngay trong từng giây phút hiện tại, không để tâm ý mình đắm chìm trong ăn năng hối tiếc quá khứ hay mơ ước viễn vông về tương lai. Tuy vẫn có những chương trình dự định cần thiết nào đó cho tương lai, nhưng ta không dại khờ dồn hết tâm trí mình vào. Như vậy, nếu chương trình có thất bại ta cũng không sầu não vì biết rằng do chưa đủ điều kiện nhân duyên.
Muốn tìm nguồn an lạc thì phải tìm ngay trong hiện tại. Giờ phút mà ta ý thức được hiện tại, ý thức được rằng "ta đang sống" là ta có hạnh phúc tuyệt vời. Chính vì ta luôn sống theo phản xạ của thói quen nên cuộc đời đối với ta hoá ra nhạt nhẽo. Shakespeare, đại văn hào nước Anh vào thế kỷ 16 có viết: "Thói quen là con quỷ nuốt trôi mọi cảm giác". Đương thời Phật tại thế và chư đệ tử ngài có một thần thái an nhiên chói người kỳ lạ. ông đến hỏi bí quyết, Phật đáp rằng: "Đệ tử ta sống trong tỉnh giác, chánh niệm trong hiện tại, không tiếc nhớ quá khứ, không mong ước điều gì ở tương lai, nên chư vị ấy có một thần thái như ông thấy đó".
Nếu không biết dừng mọi lo nghĩ, chấm dứt tức thời mọi lo nghĩ để quay về trong thiền quán thì cả đời ta sẽ trôi mãi trong sự cuốn hút bất tận cho đến ngày tàn hơi cũng chưa hết lo lắng. Phải nuôi dưỡng trong lòng ta một sự an nhiên buông lìa mọi tham đắm,xem mọi thứ đều chỉ là phương tiện sống, và luôn nhớ rằng mục đích tối thượng của ta là thoát khỏi luân hồi.
Sống trong hiện tại không có nghĩa là sống một cách thô bạo, cạn cợt, với một cung cách phong đãng, sống vội vã, sống không biết đến mọi đạo lý nhân bản của cuộc sống. Trái lại sống trong hiện tại là sống giữa lòng cuộc đời thật của ta. Hằng ngày hằng đêm, khi thiếu tỉnh giác thì ta thường sống buông thả tâm ý mình theo sự dẫn dắt của lục căn, lục trần, ngũ dục. Thói quen chi phối sự phản ứng của năm giác quan khi tiếp xúc với năm trần cảnh là thói quen đã có từ vô thỉ đến nay. Từ thói quen đó nảy sanh biết bao tham đắm hoặc ghét bỏ. Thân khẩu ý ta cứ phóng chạy theo sự kích động của lục trần, ngũ dục, quấy động ngầu đục tâm hồn mãi mãi. Năm trần cảnh không ngừng kích thích các giác quan, ta phóng rọi bản ngã mình vào năm đối tượng đó thành những cái bóng vĩ đại, che khuất ánh sáng chân thật của tự tâm. Ta ít khi hoặc không bao giờ có cơ hội tạm dừng những suy tư, lo lắng để nhìn lại bản thân mình. Chỉ cần thiếu vắng mọi âm thanh hình sắc thì ta bỗng thấy hụt hẫng,thấy mình là cái gì trống vắng. Ta trốn chạy sự trống vắng bao la đó bằn cách quăng mình vào mọi âm thanh hình sắc, nghe, nhìn và suy nghĩ, lo lắng, tính toán, cứ thế mà chạy thẳng theo đường mòn dẫn vào bến luân hồi, không có lối nào thoát ra cả.
Một cụ già nọ siêng Năng đi chùa nghe giáo lý và tụng kinh. Đứa con không hài lòng. Anh ta tạo ra một bàn thờ Phật thật trang nghiêm rồi nói với cha rằng: "Cha hãy ở nhà tụng niệm là được rồi, đi chùa làm chi cho mất thì giờ." Người cha nói:"Đi chùa nghe giảng, tụng niệm làm sung mãn tinh thần, là môi trường tốt nhất cho mình hoài tỉnh, lại thấy chân thân mình, nhiếp tâm vào đường tu dễ dàng hơn." Người con cứ bảo sống như vậy là quá lương thiện rồi, khỏi phải đi chùa. Người cha suy nghĩ mãi, ông liền nói:" Bây giờ cha đưa con một quyển sổ, con hãy thề với cha là không giấu một điều gì cả. Con làm việc gì, nghĩ nói điều gì trong suốt ngày đêm đều phải thành thật ghi hết nó ra trên giấy, rồi sau đó một tuần con đưa lại quyển sổ cho cha xem." Người con nhận quyển sổ và bắt đầu ghi chép. Đến buổi tối ngày thứ tư, ông cụ cúng lạy xong thì thấy người con đang quỳ ở phía sau mình, thưa rằng:"Thưa cha con đã thua cha rồi. Mới có ba hôm mà con đọc lại quyển sách thì ôi thôi, con không thể nào giao nó cho cha được. Trong ấy quá nhiều bậy bạ, quá nhiều đen tối, đen tối tới độ có chỗ như là địa ngục. Nhờ cha mà con chợt thấy cái chân hình của mình qua bao việc làm và suy nghĩ. Từ đây con rất vui mừng về việc đi chùa của cha. Con sẽ cố gắng sắp xếp thì giờ để đi cùng cha." Ông cụ nói:"Như vậy đó, nếu không hồi tỉnh thì ta cứ ngỡ rằng mình quá lương thiện, nhưng nhờ hồi tưởng chân thật ta mới thấy rõ lòng mình đen tối. Cha rất vui sướng vì biết con có sự hồi tỉnh cần thiết cho một kiếp sống. Ta không thể không biết đến những giá trị cao cả của tâm linh con ạ."
Sống trong hiện tại là sống mà biết rõ mọi cử chỉ, ý nghĩ của mình, không để nó phát khởi theo sự xung động tình cảm từ ngoại giới ùa tràn vào năm giác quan gây kích động tâm ý, ăn nói hành động thiếu đắn đo suy nghĩ chín chắn. Giai đoạn đầu, ta phải biết tự trở về kiểm soát chặt chẽ sự móng động của tâm ý. Trở về với tự tâm là con đường đi vào chánh đạo. Cầu đạo, học đạo mà chưa biết chỗ cốt lõi là tự trở về thấy lại tâm ý mình là chưa biết chỗ cầu đạo. Ngày nay còn chạy theo vòng ngoài là ngày ấy còn xa cách với chách đạo.
Định luật quen thuộc của tâm lý là vô tri bất mộ, nghĩa là không biết thì không sanh lòng quý mến. Vì thế, trước tiên ta phải đổ tâm lực ra học hỏi, chiêm nghiệm cho hiểu rõ lời Phật dạy, từ đó phát khởi ý định đi theo con đường Phật dạy để có cái an lạc giải thoát. Sau khi nhận biết được cái chất trí tuệ tuyệt vời của chánh pháp rồi thì ta mới sanh lòng kính mến một cách sâu đậm.
Chánh pháp đó chính là bản tâm tịch tịnh vô vàn thuần khiết của ta mà bấy lâu ta không ngờ rằng mình có. Nay nhờ trí tuệ giác ngộ của Đức Phật thấy biết rõ và ân cần chỉ cho ta biết, rằng mỗi người đều có khả năng đạt đến chỗ giác ngộ như Ngài.
Vì thế, sống trong hiện tiền chính là bắt đầu thấy lại cái bóng dáng ngời sáng của tự tâm, cứ làm cho tự tâm lắng sâu, trong suốt thì chân tâm tự hiển lộ. Sống trong hiện tiền đến chỗ tận cùng chính là thể nhập vào bản tâm thanh tịnh không còn chút tì vết. Đức Lục tổ Huệ Năng đã chỉ rõ cho thầy Huệ Minh điều này, Ngài gợi ý: "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay trong lúc đó thì cái gì là bản lai diện mục của thầy Huệ Minh? " Bản lai diện mục chính là cái gốc tâm vắng lặng của ta,vắng lặng hết mọi móng động của trần cảnh, tham đắm, so đo, ngã chấp, phân biệt. Nếu ta buông bỏ hết mọi suy nghĩ; trụ tâm vào một chủ đề duy nhất kiên cố, dứt bặt chủ thể đối tượng, hoà tan tất cả vào một khối trong suốt thì tâm thức ta sẽ có cơ hội bừng chiếu một ánh sáng kì lạ, gọi là phát huệ. Lửa trí huệ này sẽ thiêu rụi mọi phân biệt, mọi ngã chấp, mọi khái niệm phân chia. Sự phân biệt khởi sinh là vì có dính mắc, đó là tâm lý chung của người phàm tục. Người ngộ đạo thì khác, tuy có phân biệt nhưng không để tâm bị dính mắc vì biết an trụ vững vàng trong sức mạnh của địch tâm, con mắt tâm luôn luôn ngời soi khắp bốn ngã tâm tư, không còn một móng động nào mà họ không nhận ra để dứt trừ.
Bài học sống trong hiện tiền là bài học đầu tiên để mở đầu cho một cuộc sông mới. Giảm bớt ngày càng nhiều mọi thấy nghe nặng chất của trần gian, không cần thiết cho hành động đang làm sạch lại tâm hồn. Thấy rõ chân tướng của mình là phải bám vào chủ tâm định ý lắng sâu, không còn háo hức chạy theo mọi chân trời lôi kéo của quá khứ tiếc nhớ hay tương lai huyền ảo nữa. Như vậy là bước đầu có được an lạc giải thoát.
Trí Không