Nhìn về một xã hội đang phát triển văn hóa

TTCT - Nhân những năm gần đây làm sách về mỹ thuật Việt Nam cho nhà sưu tập người Thái Lan Tira Vanictheeranont, tôi có nhiều dịp đi Thái và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Thái Lan.

Nhìn về một xã hội đang phát triển văn hóa
Thiên đường trong tâm trí của Chalermchai Kositpipat được bán với giá 2,2 triệu baht
Ông Tira cho đến nay đã xuất bản ba cuốn sách về hội họa Việt Nam, và qua mỗi cuốn ông đều làm triển lãm những phần tranh tương tự như cuốn sách ở Việt Nam trước và ở bên Thái sau.
Sự trân trọng đối với văn hóa Việt Nam thật đáng nể và cũng đem lại thành công cho ông về mặt kinh doanh, ngược lại mỗi cuốn sách cũng làm tôi buồn hơn vì sự chảy máu những giá trị văn hóa mà ở trong nước rất ít được chú ý, điển hình nhất là bộ sưu tập ký họa của Tô Ngọc Vân với 380 bức cũng đã được làm thành cuốn sách Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954 (NXB Tri Thức 2013).

Xã hội Thái đang phát triển những nội lực kinh tế và văn hóa, nhiều nhà kinh doanh đã bỏ bạc tỉ sưu tập nghệ thuật, mà gần đây nhất là Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Thái Lan (MOCA - Museum of Contemporary Art) được một tư nhân xây dựng, với đội ngũ hơn 60 nhân viên, curator và hơn 10.000 tác phẩm, chủ yếu là của các nghệ sĩ Thái.
Tháng 10-2013, bảo tàng này đã tổ chức cuộc đấu giá tranh quốc gia Thái đầu tiên, tất cả tác phẩm đã được bán hết, trong đó một nghệ sĩ hàng đầu Thái Lan là Chalermchai Kositpipat với tác phẩm Thiên đường trong tâm trí đạt tới 2,2 triệu baht (tương đương 700.000 USD).
Tôi đã dự hai workshop (giống như trại sáng tác) cùng các nghệ sĩ Thái và cũng có các nghệ sĩ Việt ở Học viện Nghệ thuật Poh Chang và Trường đại học Naresuan (tỉnh Pisanulock) trong vài năm qua, có dịp đi lại và trao đổi với các nghệ sĩ Thái về hoạt động nghệ thuật của họ, đồng thời họ cũng sang nước ta tham quan, vẽ và bày tranh.
Hoạt động workshop hiện được coi là trao đổi nghệ thuật hữu hiệu nhất, bên chủ nhà lo ăn ở, tham quan, nghệ sĩ tự mua vé đi, vẽ xong thường tặng lại 1-2 tác phẩm. Qua đó chủ nhà có bộ sưu tập đủ các nước, và thông qua nghệ sĩ các nước mà tìm hiểu văn hóa của họ. Hoạt động này ở ta rất khó khăn do không có tài trợ và rất nhiều thủ tục hành chính.
Nếu như năm 1997, cuộc triển lãm hội họa đầu tiên của Việt Nam được hội Siem tổ chức ở Bangkok, lúc đó tôi thấy hầu hết nghệ sĩ và cán bộ Thái nói tiếng Anh tốt, tất nhiên nhiều người dân làm kinh doanh cũng vậy, thì ngày nay không hẳn. Tiếng Anh không còn là nhu cầu cấp thiết và được quan tâm như trước. Một vài di tích và khu nghỉ mát chúng tôi tới hoàn toàn không sử dụng tiếng Anh, ngay cả chìa khóa phòng cũng bằng tiếng Thái, rất vất vả để tìm được phòng của mình.
Khu di tích lớn Sukhothai thế kỷ 12 hầu như không có chú thích bằng tiếng Anh. Còn về thị trường tranh, các nghệ sĩ Thái cho biết trước đây cũng như Việt Nam, phần lớn do người nước ngoài mua, nay tình hình ngược lại: chủ yếu khách hàng là người Thái.
Hai ví dụ này cho thấy sự phát triển nội lực của người Thái. Họ đã làm rất tốt với văn hóa của mình, thay vì trước kia chỉ trông vào du lịch, lấy du lịch nuôi tất cả, ngày nay không nhất thiết chỉ là du lịch nữa. Khi không cần đến tiếng Anh và tự mua tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ mình tức là đời sống văn hóa đã có vị trí trong kinh doanh và văn hóa trở thành động lực phát triển của kinh tế.

VZJd7otV.jpg
The Red and Black&White horse của họa sĩ Thawan Duchanee
Nếu như sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam, kể cả bậc thầy, mới đạt giá một hai chục ngàn USD, còn thông thường giá tranh tượng rất thấp và cũng khó bán do không có thị trường nội địa, thì bậc thầy Thái là Thawan Duchanee đã bán tranh tới 2 triệu USD.
Việc đẩy được giá cao như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nội địa trước, tức đất nước phải tự nâng cao giá trị của nghệ sĩ mình trước, và sau đó buộc bên ngoài phải mua theo những thang bậc cao.

Vấn đề này đã được hầu hết các nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và hiện nay là Myanmar) chú trọng, thế nhưng ta vẫn đứng ngoài cuộc với những triển lãm phong trào lèo tèo và chẳng đi đến đâu với những quan niệm nghệ thuật lạc hậu.
Họa sỹ, Nhà phê bình mỹ thuật
                Phan Cẩm Thượng
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-hoa-nghe-thuat/20140126/nhin-ve-mot-xa-hoi-dang-phat-trien-van-hoa/591736.html