TLNX: Trong nỗ lực tìm lại tài liệu cũ để học, chúng tôi may mắn tìm đọc được bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Đây là một bộ sách quý về triết học và đạo học. Bộ sách chứa đựng nhiều tư tưởng mới và phương pháp thực hành đạo thiết thực. Nhưng có một điều khó là khi đọc Chơn lý, có một số từ, cụm từ, câu rất khó hiểu - ngay ở nghĩa tường minh. Ở những trường hợp này, thường có sự khác nhau trong các dị bản. Chúng tôi chưa dám bàn vì việc này đòi hỏi sự đối chiếu và tìm hiểu kỹ lưỡng. Ở đây, vì nhu cầu học tập của những người hữu duyên quý kính tư tưởng và con đường Tổ sư Minh Đăng Quang chỉ dạy, chúng tôi xin phép chỉ chia sẻ những bài Chơn Lý mà những người hữu duyên đang tìm học, kính mong các bậc thầy tiếp nối con đường Khất sĩ, các nhà biên tập, in ấn cho phép, lượng thứ và chỉ giúp nếu có điều chi không phải. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
Chơn lý 11 KHẤT SĨ
1. KHẤT SĨ là học trò khó đi xin ăn để tu học. Khất sĩ là
cái sống của chơn lý vũ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến
đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ. Các sự thấy, nghe, hiểu để đem lại
cho cái biết. Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ
sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến
sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới, làm
cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sanh đây là căn thân
và chủ thức (là người nhận biết). Cho nên cái biết chủ cần phải sống, lớn, ăn,
vui, yên và còn mãi mãi. Chính biết là
ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ
trụ. Chính chơn lý hay triết lý mới là
môn học thực tế, ích lợi, đi ngay đến Niết-bàn, kêu là đạo, là sự học không
hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy.
2. Học chơn lý để biết rõ chúng sanh, vạn vật và các pháp, đặng
đem lại một cái sống như thân hình võ trụ, nối thay cùng tạo hóa dạy khắp muôn
loài, một địa vị toàn giác toàn năng, tối
cao hơn trời đất, cứu độ cả chúng sanh, khắp thế giới chúng sanh thảy tự đem
mình tôn kính.
3. Chính Phật là Vô Thượng Sĩ, là ông thầy giáo có sự học
không ai hơn. Còn Tăng là khất sĩ, là học
trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò; học với tất
cả chúng sanh, vạn vật, các pháp; học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm
làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh; học nơi chữ viết, nghe
lời nói; học bằng lo lắng nghỉ ngợi; học nơi sự thực hành; học nơi cỏ, cây,
thú, người, Trời, Phật, đất, nước, lửa, gió. Tạm sống xin ăn tu học đi ngay
chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc. Và bá tánh là cư sĩ kẻ đã lỡ
hội đường, hoặc vì tai nạn nên phải đành kham thiếu thốn, tập học ở một chỗ nơi
để đặng chờ ngày giải thoát.
4. Biết ra mục đích của sự học loài người, nên gọi người là
lớp chót, Trời là lớp nhì, Phật là lớp nhứt. Còn thú vật với cỏ cây như trẻ nhỏ
mới sanh, chưa có sự học, chưa biết học, không biết lớp trường chi cả. Trường học là võ trụ, chúng sanh là học
trò, các pháp đổi thay tiến hóa là bài vở, vạn vật là món tạm dùng. Có học
để thi đậu đắc quả an vui, đặng tránh cái dốt nát vô minh, chết khổ điên cuồng
của cỏ cây loại thú. Có học mới biết đầu trên chân dưới, sự sống của khắp thân
mình, mới có mắt sáng thấy đường, biết điều ăn mặc. Học là quý nhất, trúng đường,
hơn là sự ăn chơi nô đùa lêu lỏng.
5. Muốn học không phải ở một chỗ, mà cần phải bước lên đi tới,
phải đi theo thời duyên cảnh ngộ của nước gió không ngừng, chớ đừng cố cượng.
Vì chính sự ở một chỗ, giữ một bài, một lớp là khổ não, vô minh, si mê, thất học.
Càng đứng ngồi nằm một chỗ, càng thấy nóng nảy sân hờn, và lại bụi lấp xấu dơ,
tham lam đen nặng. Vậy muốn được học, nếu
là kẻ thật học, thì phải ra người khất sĩ khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng
rèn nuôi chí nhẫn, và thong thả học hành, ngao du thiên hạ. Vừa là tự mình
đi tới, và dắt lần những kẻ khác cùng theo, cho đúng theo lẽ trước sau, thời
gian khách tạm, vô thường vô ngã.
6. Ngoài khất sĩ ra không có pháp nào thứ hai để diệt tham
sân si được? Mà nếu tham sân si không diệt, thì người ta với cỏ cây thú có khác
chi nhau (Cỏ vốn si mê, không biết. Cây có tình thọ là sự tham lam. Thú giành
ăn, tham dâm mà sân giận). Cũng như trẻ nhỏ ở trong bụng mẹ si mê, lúc mới sanh
đòi ăn tham lam, và đến năm sáu tuổi lại tập giận hờn. Cho nên gọi tham sân si
là con trẻ nhỏ nhít hẹp hòi, không giống như người lớn. Cái lớn là không tham
sân si nhỏ hẹp.
7. Trẻ con tham sân si là phải, vì ta gọi nó là trẻ con, nó
chỉ tìm yên vui bằng sự độc ác, mà nhờ được mọi người, tha thứ nên nó mới dể
duôi quen tật. Nó như cỏ cây thú, nào có dạy học được ở nơi trường, cho nên nó
mới hoang đàng rong dạo. Trái lại khi loài người đã lớn, có trí, biết học ai ai
cũng vào trong lớp chót của trường đời, mà vượt lần lên lớp nhì hay ông già lớp
nhứt, xem mình là Trời Phật, nào có ai dám gọi ta là trẻ con. Mà trẻ con là
tham sân si độc ác, ta cần phải dứt trừ mau sớm. Bố thí trừ tham lam là sự lớn cao, rộng nhẹ, sạch trong. Nhẫn nhục trừ
sân giận là sự nở nang mát mẻ vui tươi... Tinh tấn trừ si mê là sự đi nhiều học
rộng sáng bóng chói ngời, lau chùi mãi mãi. Cho nên gọi rằng: Bố thí, nhẫn nhục,
tinh tấn là lớn; tham sân si là nhỏ, cái nhỏ như bị bó chặt, như lửa đốt tóp
co, như vào trong hang trứng. Nhờ bố thí mà đến được sự trì giới xuất gia khất sĩ
giải thoát, chứng quả vô sanh, bậc Hiền Thánh. Nhờ nhẫn nhục mà đến được sự nhập
định yên lặng, có thần thông quả linh, chứng quả Duyên Giác như Tiên. Nhờ tinh
tấn mà đến được trí huệ, suốt thông đạo lý, giáo hóa chúng sanh làm chư Bồ-tát,
thi hành Phật sự, theo đường vô lậu đến quả chơn như, Niết-bàn hưu trí. Như
vậy tất cả chúng ta nhơn loài thảy phải đều là khất sĩ, vì chúng ta đã lớn và sắp
lại già, cái già đủ học toàn giác Phật, của chúng ta phải cho đúng luật phép, mới
chẳng phải là trẻ nhỏ để gương hại, dạy quấy cho đời, còn mình thì lại nhẫn
lùi, đi chui vào bụng mẹ, tập tiếng xưng con, để chịu khổ thân đời tới. Vả lại, thời duyên cảnh ngộ, nào có cho ta đứng
yên một chỗ bao giờ!
8. Tiếng “khất” có nghĩa là xin. Lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi
thân, người thì xin các pháp để nuôi trí. Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy,
hoặc đi xin, hoặc đứng xin, hoặc ngồi xin, hoặc nằm xin, hoặc ở một chỗ xin, hoặc
đi cùng khắp xứ xin. Xin cái ác, xin điều thiện, xin đạo đức, xin quả người Trời
Phật, xin vật chất, xin tinh thần, xin địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đất xin nước,
đất mới sống khỏi chết khô. Cỏ cây xin đất nước mới sanh chồi mọc nhánh. Thú
xin đất nước cỏ cây mới có đi chạy. Người xin thú cỏ cây đất nước lửa gió mới
có nói làm. Trời xin người thú cỏ cây tứ đại mới sanh thức trí. Phật lại xin
nơi Trời người thú cỏ cây tứ đại, mới được giác chơn.
9. Có hai thứ xin:
1. Xin vật chất (vạn vật) để nuôi thân.
2. Xin tinh thần (các pháp) để nuôi trí.
Có đủ thân trí mới sanh tâm là Phật. Từ xin để nuôi thân như
cỏ cây thú, đến lần xin để nuôi trí là người Trời Phật.
10. Vậy nên tiếng khất sĩ là chỉ có nơi người, Trời, Phật mà
thôi,vì thú cỏ cây chưa có trí để học. Chúng sanh địa vị càng cao, thì sự xin lại
càng nhiều hơn là ở lớp thấp. Như cỏ cây chỉ có một cái xin nơi đất nước, chớ
Trời Phật thì xin tất cả nơi các pháp và vạn vật, nên mới được đầy tâm đủ trí gọi
là Phật Trời. Sự xin ấy có khác hơn thú cỏ cây là xin để trau dồi tâm trí học
hành, xác thân bỏ quên không lòng mến tiếc, chớ chẳng phải là sự tô đắp nung dồi
xác thịt huyễn ngã không công.
11. Biết xin tự người cho, xin cỏ, xin cây, xin thú, xin nơi
người Trời Phật, mỗi mỗi đều xin, lễ phép chớ không tự mình ngang giựt như thú
cỏ cây càng bướng chen đùa. Lẽ xin thật là tốt đẹp hơn các lối ăn: ăn lén, ăn vụng,
ăn thầm, ăn càn, ăn bướng, ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, ăn gian, ăn lận, ăn lường,
ăn bóc lột, ăn trên đầu, ăn liều mạng, ăn hốp tốp, v.v… Chính sự xin Pháp bảo để ăn, xin lòng tốt của người để sống, xin vật
thiện để dùng, cái xin ấy mới ích lợi cho đời hơn hết, thiện chớ không phải
ác.
12. Tất cả chúng
sanh, ai cũng là thiếu sót những cái cần xin, dầu nhiều dầu ít, đều phải xin lẫn
nhau trong hằng ngày. Ngay từ vua quan, giàu sang, nghèo hèn, dân tội, ăn mày, khùng
dại, thảy đều có sự xin cả thảy (cái xin trong sạch hay là cái xin nhơ bẩn).
13. Giáo lý ăn xin để dứt bỏ cái ta độc ác khổ não, mà sống
theo lẽ vô thường, tiến hóa như vầy: ta
sống giúp cho tất cả và tất cả sống giúp cho ta, như là một thân thể to lớn liền
lạc, như bàn tay làm việc chùi lau cho cả cơ thể, chớ nó không tự rờ rẫm
săn sóc lấy nó được; con mắt ngó xem ra khắp nơi, mà không hay thấy nó; miệng
ăn cho bao tử nuôi thân, chớ không bao giờ giữ lại miếng ăn nơi mồm ngậm …
Nghĩa là cả cơ thể đểu làm việc cho nhau, sống cho nhau, nếu một bộ phận đứt
riêng rời là khắp nơi đau đớn, và lần hồi chết hết. Vậy nên sự dời đổi gia đình
xã hội, đất nước, lửa gió, cỏ cây thú người Trời Phật, vạn vật các pháp, chúng
sanh cũng là do lẽ sống chung không cho tư kỷ ấy.
14. Giáo lý ăn xin là
sự chan hòa cho nhau, tức là công lý võ trụ là pháp bảo, hay chơn lý, triết lý
nhiệm mầu. Người nầy nấu cơm, người kia ăn. Người khác may áo, người nọ mặc.
Kẻ nầy cất nhà, kẻ kia ở. Kẻ khác lo thuốc cho kẻ nọ đau. Đời người hết sống đến
chết. Rồi trở lại sống và chết nữa. Cha con thay đổi, vợ chồng thay đổi, mỗi kiếp
thay đổi, thay đổi để không nhàm chán, chẳng riêng tư. Có thay đổi mới nảy trí
sanh tâm, càng lớn cao hay sáng thiện lành, để tránh khỏi điều tham sân si vọng
động, điên cuồng khổ sở, đặng bỏ dưới thấp lên trên cao.
15. Cho nên từ ngàn xưa, kẻ đã giác ngộ chơn lý ấy, như Phật
Tiên Hiền Thánh, thảy đều bát cơm bầu nước, bay khắp non sông, trôi vòng thế giới,
để đến với danh từ “khất sĩ”, hầu hưởng quả Vô Thượng Sĩ ngày mai. Các Ngài
không phải là hạng khất cái, thấp hèn như cỏ cây thú chỉ tìm sống, cái sống chẳng
đợi ai cho, trong cái vô minh, tà ác. Chính khất sĩ là quý báu nhất trong đời,
là bậc Hiền nhân chăm học, là bậc đủ can đảm vượt qua cõi Trời Người, vất bỏ
tham sân si, diệt cắt dây ái dục, bay khỏi lục trần, lục căn đã như già chết,
là bậc mà đường trần bụi chẳng còn đáo lại để phải dính dơ, là bậc mà ít người
theo được, bởi thiện căn phước đức nhân duyên thiếu sót, và nghiệp quả chẳng chịu
buông tha điều bắt phạt.
16. Từ hạng bậc xin bằng thân, xin bằng trí, xin bằng tâm, chỉ
có khất sĩ là kẻ xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người
hảo tâm cho chớ không điều ép buộc. Khất Sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin
để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố
thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi cho chúng
sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới. Đi xin để có thì giờ ăn học.
Đi xin để giáo hoá chúng sanh. Đi xin để không tự cao dốt nát, danh lợi, sắc
tài. Đi xin để giải thoát phiền não, và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng,
tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí tuệ thông minh, cõi lòng
mát dịu, rộng mở bao la, lặng yên sạch sẽ. Có đi xin ăn học mới là thiện, kẻ
không đi xin thất học là không thiện. Người đi xin ăn học, quý hơn là kẻ ở học
một chỗ, học có người nuôi, thiện hơn là người tự nói làm ác quấy để ăn học. Có
đi xin mới học được chơn lý, là môn học quý nhứt, hơn các lối học khác mênh
mông. Chỉ có chơn lý mới là đường đi ngay, mới tạo nên người thật học, được học
đúng đắn vĩnh viễn.
17. Khất Sĩ có ba bậc : Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát.
18. (1). Khất Sĩ Thinh Văn là bậc đã nói trên, đi du học
toàn xứ, hy sinh xác thân vật chất, xã hội, gia đình, thanh bần đơn giản, chỉ để
tâm trí theo đuổi mục đích của tu học vì chúng sanh, để tế độ chúng sanh. Cho
nên bụi trần không ô nhiễm, sáu căn thanh tịnh. Không còn sự mê lầm bổn ngã, không nghi não. Không ham mộ nghi lễ cúng
kiến. Không tham dục. Không tham sắc. Không tham vô sắc. Không sân hận. Không tự
cao. Không xao động. Không vô minh. Và là bậc mà không bao giờ trở lại với
cái si mê tội lỗi trong đời ác trược. Như người đã bay bổng trên không trung,
bước chân không còn dính bụi hồng, là người ở trong giới Phật, không hề sa ngã.
19. (2). Khất Sĩ Duyên Giác là bậc tu trì nhập định, sau khi
đã giác ngộ, các pháp nhơn duyên của Vô minh, Hành thức, Danh sắc, Lục nhập,
Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Tử; là bậc mà sự ăn mặc ở bịnh chẳng cần màng; sống,
chết, đến, đi, còn, mất, có, không chẳng quản; khổ, vui, lợi, hại, khen, chê chẳng
động tâm; là bậc sống theo thời duyên cảnh ngộ rày đây mai đó, ở xó góc bụi
lùm, một thân một áo bát, theo lẽ vô thường vô ngã, cùng là nhơn, pháp không
ta. Giữ theo chánh giác mà phân biệt điều thiện ác. Tinh tấn tu hành, an lạc
trong vòng đạo đức. Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành. Nhớ tưởng đạo lý. Nhứt
tâm đại tịnh, và vui chịu với mọi cảnh ngộ.
20. Khất sĩ Duyên Giác là bậc đi du lịch ta bà để thực hành
pháp giải thoát, hưởng quả an lạc Niết-bàn; là bậc thanh tịnh nhập định, chưởng
thần thông. Khất sĩ Duyên Giác là kẻ khở hạnh, thấp thỏi thiếu kém, rách rưới bần
hàn, là bậc đi giác ngộ, cảm hóa, kết duyên cùng chúng sanh để sau này hóa độ.
21. Khất sĩ Duyên Giác không hay nói pháp dạy người, nhưng
những ai coi theo gương, cũng đủ tu hành đắc đạo. Duyên Giác là thầy của Thanh Văn,
là sự khổ hạnh phá mê dung dưỡng. Người ta hằng ví bậc Khất sĩ Duyên Giác cũng
như vị hung thần, mà các kẻ tu hành phá giới, bất chánh không nghiêm, phải sợ sệt.
Chính bậc Khất sĩ Duyên Giác là một vị phước thần, thỉnh thoảng xuất hiện trong
thời kỳ không có Như Lai hay Bồ-tát, để đem gương Phật nhắc nhở cho hạng Thanh Văn.
Kẻ nào thấy gặp được cũng bằng như gặp Phật.
22. Khất sĩ Duyên Giác là bậc đối trị với pháp thế gian, vạch
đường giải thoát cho muôn loài tránh khổ. Bậc Duyên Giác đi xin, để đền nghiệp
cũ, đi khắp nơi để chịu chúng khảo hành cho mau hết xong nghiệp quả trong kiếp
một. Đi xin để cho hay trong thiên hạ, rằng mình sẽ lìa cõi thế đến Niết-bàn, để
cho mặc ai muốn trả đáp điều chi tự ý (hoặc đòi hỏi hay bố thí cúng dường). Đi
xin để vất bỏ tham sân si ái dục. Đi xin để đem thân làm ruộng phước tốt đẹp
cho kẻ mong cầu cúng thí đặng gieo giống Phật, diệt lòng ma. Chính sự không nói
làm sái quấy, là phân chất nước trong tốt đẹp, để cho người xem thấy đó mà nảy
phát thiện huệ, chơn tâm, hột giống đặng đem gieo trồng có chỗ tưới vun.
23. Khất sĩ Duyên Giác lượm vải rách mà đâu lại thành áo, để
khuyên người dư dả bớt se sua chưn diện, và an ủi kẻ thiếu rách nghèo nàn, làm
gương tiết kiệm cho chúng sanh. Thật vậy, dễ ai mà kiếm đặng cái nghèo như người
khất sĩ, nghèo không một đồng xu, áo không có túi, ai cho bạc vạn cũng không
màng. Nghèo không một hột gạo, ai cho kho vựa cũng chẳng ham; mặc áo lượm vải bỏ,
ai cho đồ tố sa không chịu nhận. Nghèo mà chẳng ham ăn dư để cất dành đêm, ai
cơm dư thí bỏ xin ăn, chớ chẳng hề ăn lương ngon cá thịt. Ăn trộn lộn xộn,
không phân mùi vị, để lật đổ miếng mùi ngon. Ăn ngày một bữa, dầu vua thỉnh ăn
thêm cũng từ chối. Chính khất sĩ là kẻ thật giải thoát. Vì có đi ăn xin mới đặng
tránh sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chưởi, uống
rượu, say sưa. Vất bỏ ngôi vua, nơi ghế cao giường rộng chiếu lớn, chỗ xinh đẹp.
Chẳng màng vị quan, nơi nghe xem hát múa đờn kèn, chỗ vui đông yến tiệc. Không
ham giàu có, nơi phấn son dầu hoa áo quần trang điểm. Chưởng trí huệ, ngày ăn một
bữa. Nuôi tánh chơn, chẳng rớ đến bạc vàng, vì vậy mới đi xin.
24. Khất sĩ đi xin ăn mà chẳng than van, không có gì hết mà
chẳng than nghèo, đầu trần chân không, đội trời đạp đất, sương màn cỏ chiếu, mà
chẳng bao giờ chán nản. Khất sĩ khuyên lơn người giàu, an ủi người nghèo, làm
gương không không, tránh khổ cho người khác giác ngộ. Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm
vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp
của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người.
25. Giữa cõi đời ly loạn, giữa đêm mờ tối, đầy thú dữ quỉ
ma, thì khất sĩ là kẻ dẫn đường sanh lộ, cứu người giải thoát. Thần vật chất,
ma cám dỗ, quỉ dọa nạt, không bao giờ hại được người khất sĩ, bởi khất sĩ ví
như kẻ già, đui điếc, ngọng câm, nghẹt hơi, nên không còn biết gì lo sợ. Khất sĩ
là kẻ coi mình như đã chết, nên đem cái chết rồi của xác thân ấy đi du lịch
giác ngộ tìm kẻ nhơn duyên. Chính khất sĩ mới kêu là đạo, vì là kẻ ở nơi đường
cái to lớn rộng dài, không ở nơi hang nhà hốc kẹt, một chỗ. Bởi thương người tội
nghiệp, kẻ khó cùng, nên Khất sĩ Duyên Giác đâu đâu cũng hiện đến. Gặp được
Ngài như gặp Phật, người mà cung kính chào mời hoặc cúng dường lễ bái, đều là kẻ
giác ngộ có duyên, sẽ thấy rõ tinh thần giải thoát, lý đạo nhiệm mầu, không còn
khổ nạn, đắc trí huệ thâm sâu.
26. Giáo lý của khất
sĩ là trung đạo, chánh đẳng chánh giác vô thượng, cốt yếu để đem lại chữ hòa
cho muôn loài, xin cái cao ban vào cái thấp, để tạo sự bằng phẳng giữa cõi đời.
Đi xin để kêu gọi lòng từ bi hỷ xả, đức từ ái cho nhơn loài; xin cái tham lam
sân giận si mê là địa ngục ngạ quỉ súc sanh để đưa người lên cõi người Trời Phật
Thánh; là dắt cho người bước lên con đường bố thí nhẫn nhục tinh tấn đạo mầu.
Không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố
thí tinh thần phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy. Mỗi ngày đi xin một lần, lập một công đức,
dẫn đạo ban hành, dìu dắt chúng sanh, đền ơn chư Phật, lưu truyền chánh pháp. Chính
đạo Phật ba đời là đạo Khất Sĩ cả, ngoài Khất Sĩ ra là đạo Trời người, chớ
không phải là đạo Phật.
27. Vậy nên những ai nhà cửa tiêu tan, gia đình nát cả, thất
bại đau sầu, hoặc phải điên cuồng tự vận, khổ sở triền miên, bằng gặp đặng khất
sĩ, ắc mau giác ngộ sớm tỉnh yên vui, đi tu làm Phật, hưởng phước lạc tinh thần,
nối tiếp thêm bước trải qua đường vật chất. Chỉ có khất sĩ mới thực hành được
chữ tu, tạo nên giáo lý sống chung giữa ta người, đời đạo, vật chất tinh thần
hòa hợp. Chính khất sĩ là chất keo hồ, chảy quanh chung lộn để gắn bó tâm hồn,
vẹt banh trí não của chúng sanh chung, là đạo của toàn thể tất cả vậy.
28. (3). Khất sĩ Bồ-tát là những bậc thầy giáo ngồi trên, chẳng
bao giờ thiếu hụt, cũng ví như vua Trời, vua người; là bậc Tổ Sư giáo chủ, vì
muốn răn lòng cao trọng, vì muốn chứa đức thêm nhiều, vì muốn khuyên lơn hàng
vương giả, vì muốn phục lòng thiên hạ, vì theo sự giải thoát trung đạo, vừa làm
gương tăng chúng, vừa để đi đứng khắp nơi công bình, vừa tìm duyên hóa độ, vừa
để làm quen dạn dĩ đến gần cho kẻ thấp thỏi nhỏ nhoi… vậy nên phải đi xin. Chính
sự đi xin của chư Bồ-tát hay Phật, là điều khó nhất, trong thế gian ít ai làm
được. Bởi Phật là bậc toàn năng, không chi không làm được, có khác hơn bậc
hoàng đế, bá, hầu, vì thể diện, danh dự, giá trị, lợi lộc, chấp mình, mà phải
thụt lùi từng bước, phải mãi ôm chấp cái ta, nặng nề té sa hố thấp trũng sâu,
chịu chết thất bại, mà chẳng dám dòm xa bước tới nẻo lành. Chúng sanh mà thua Phật là bởi có việc làm được còn có việc không làm
được; mà những việc làm không được ấy, lại là việc phải đáng làm; còn làm được
là được việc tội lỗi hư vọng, ấy cũng vì muốm vừa lòng theo trẻ nhỏ số đông, sợ
chúng trẻ con dại dột chê cười, mà không nghĩ đến sự lành của bậc ông già tri
thức, tuy ít người khen mà lại thành công hơn. Những cái trở lực bức tường,
sợ sệt yếu ớt, bắn lùi, lụn bại, luân hồi ấy, chỉ có khất sĩ mới gọi là giải
thoát tiến hóa đứng vững, thắng phục đạp ngã, mới gọi là bậc hay làm được việc
khó làm, mạnh mẽ hơn chỗ của người khác vậy.
29. Có xin ăn mới dứt được cái ăn ác tà trong vạn kiếp. Có
xin ăn mới chỉ rõ lỗi được kẻ gian hung. Có xin ăn mới ra người lương thiện, mà
kẻ đời thường gọi rằng: Văn thị ngôn tắc bái, kiến thiện sĩ tắc cung. Chỉ có khất
sĩ mới là trung đạo giữa vua quan giàu sang, với tội dân nghèo khó. Khất sĩ
không phải dốt nát mê muội, ác hung tà xảo như người khất cái. Bởi khất cái là
hạng mạt lưu, còn khất sĩ lại là bậc tối thượng vô song; vậy nên dầu những ai
có hành được chơn lý một hai ngày, thì cũng khá hơn là người còn nhiều tội nghiệp.
30. Giá trị của khất sĩ quý hơn Trời người, bởi biết sự quý
báu ích lợi của khất sĩ, nên xưa kia vua Trời, vua người bỏ ngôi vua xuất gia
hành đạo, mong cầu quả Phật. Khất Sĩ là trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng,
của bậc giác ngộ ông già, rất ít, rất khó chẳng hay khó gặp trong đời, chúng
sanh dầu khổ nạn đến đâu, chỉ cần một người khất sĩ cũng đủ giải cứu, độ thoát
cho tất cả trọn vẹn, mà khỏi cần phải số đông nhiều người sức lực, lại không
xong. Trong mọi nơi nhóm họp, ngoài khất sĩ chẳng tham sân si ra, không lời nói
nào được ai tín nhiệm mạnh mẽ. Trong mọi sự biến cố của gia đình, bất hoà của
xã hội, xung đột giữa anh em… ngoài Khất Sĩ ra, không còn ai là bậc cứu tế giải
hòa can gián, vì khất sĩ có đủ ba báu: Giới, Định, Huệ; khất sĩ như hòn ngọc
báu trong sạch, yên lặng, sáng suốt và chơn không tròn trịa. Khất sĩ như vàng
ngọc nhưng bởi thân còn sống trong đời, chung lộn thế gian như nhau bụi đất,
nên khó thấy nhận nhìn. Vả lại, món quý thí ở thấp sâu, nên trừ khi bậc trí huệ
hiền nhân, có mắt bươi tìm, thì ít ai biết hiểu, cất gìn tôn trọng.
31. Trong đời khốn khổ Khất sĩ là bậc đại hiền, như cây cao
bóng mát. Giáo lý khất sĩ như tàu bè, xe cộ, cứu vớt chờ chuyên, chúng sanh bao
nhiêu cũng không chìm nặng. Lời nói của khất sĩ như nước ao trong mát, như rồng
phún rưới mưa hoa. Đạo của khất sĩ như bờ đê ngăn nước, như vách tường, núi đá,
biển to, sông rộng. Tâm của khất sĩ như mặt nước phẳng bằng. Ý của khất sĩ như
nước loãng nhẹ lưu thông, dầu ai có múc tát đi đâu, thì ý nước bao giờ củng trở
về với nước. Tánh của khất sĩ là nước sạch mát trong, là lòng quân tử. Chính sự
xin ăn để tu cùng học, bốn biển làm nhà, chín châu lập nghiệp mới phải là đạo
người quân tử trượng phu.
32. Đạo Khất Sĩ không phải là mới, nói cho đúng, ai ai cũng
là khất sĩ cả thảy. Vì ai mà không có gặp được sự học mỗi ngày, ai mà không có
sự xin nhau từ chút. Nhưng lắm kẻ mản đua chen giành lấn, mà quên đạo lý của
mình, nên học phải cái viển vông và xin bằng lẽ quấy ác hung bạo, quên ân bỏ
nghĩa mà chẳng hay dè. Thật vậy, nếu chúng ta đã được biết rằng: Thiện quý hơn
ác và giải thoát là đạo chung, thì khất sĩ là lẽ sống của mỗi người hàng ngày,
cái sống chánh chơn tốt đẹp vô cùng linh diệu.
33. Không cái gì xin đặng nước và nước không bao giờ có mất,
thì giáo lý khất sĩ cũng vậy, lúc nào cũng đang chứa khắp trong đời, và hay xin
vật chất các bụi đồ dơ, để đem dằn đáy lót chưn, tô làm bãi mé, mà tâm người khất
sĩ như giữa lòng lạch, lúc nào cũng sạch cũng trong. Dầu ai có đem giặt món đồ
dơ, thì sự yên lặng sẽ lóng dơ chìm đáy, cùng là bị sóng gió chan tấp lên bờ.
Có điều là chỗ nơi dất cao, vật nhiều, thì nước sâu khó thấy, bằng gặp nơi đất
thấp, thì nước lại tràn vun. Dầu ẩn hiện theo thời duyên, chớ đạo Khất Sĩ là nước
uống của muôn loài, bao giờ cũng không nhiều ít, vẫn sẵn có tự nhiên, bằng thiếu
nước thánh đạo ấy, muôn loài khó ăn mà sống được.
34. Trong đời không có chi xấu xa bằng lòng gian ác, và
không có chi tốt đẹp bằng người khất sĩ, khác phàm phu, siêu nhân loại, bậc
không còn nghe thấy, nhớ nghĩ, e ngại với cảnh huống người đời. Cho nên ba món
báu quý nhứt của thế gian, thì khất sĩ đứng vào hàng Tăng bảo, học Pháp bảo, để
làm Phật bảo vậy.
35. Sao gọi Phật, Pháp, Tăng là báu? Bởi thầy giáo đức hạnh,
bài học hay và học trò hiền, dạy theo đạo lý lẽ thật, há chẳng phải quý báu hơn
là kẻ dốt học lo ăn tội lỗi? Người mà không học như mù đôi mắt, như xác chết
không hồn, dầu mà có bị lửa đốt co ngoe, cử động như nói, như ăn, như đi, như
làm đi nữa, thì kẻ ấy có khác nào hình đất như khúc cây, nào có biết chi vui
hay mùi vị của cái sống. Cũng như cái máy tự động, nằm trơ, chịu trận cho chủ
người sai khiến, đập sửa, cho ăn uống chùi lau, cho đến khi hao mòn sét lủng, bị
đem vất bỏ ngoài đồng hoang cỏ rậm, là rồi ô hô số kiếp của một đời!
36. Khất sĩ cũng như một ông thầy giáo dạy học cho bá tánh,
chẳng lĩnh tiền lương, dầu dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhứt
là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời. Còn người
vì sắc tài danh lợi mà chết khổ thì khất sĩ hiền nhân mới thật là tôn quý hơn
vua quan, hơn cha mẹ mà là như Phật trời, là kẻ đùm che cho muôn loài núp bóng,
tránh đỡ cơn nạn khổ, bão tố nắng mưa. Trong đời không ai nỡ hại được người khất
sĩ, vì khất sĩ sống với cả chúng sanh chung bình đẳng, khất sĩ giải thoát tu học
cho mình, độ dắt cho người là giáo lý sống chung không tư kỷ, không riêng một
chủng loại nào, chẳng bỏ ai ai. Thế nên từ xưa, những người già 48 tuổi, đều phải
xuất gia khất sĩ, và người nhỏ 18 tuổi sắp lên, họ đều phải đi tu học khất sĩ,
hoặc đi luôn trọn đời, hoặc từ hai năm sắp lên rồi trở lại, để đem đạo đức thấm
nhuần vào trong gia đình, xã hội, mọi chỗ nơi cho êm dịu.
37. Đời mà không đạo như rừng hoang, người mà vô đạo chẳng
vui an. Vậy nên trong mọi sự thất bại, tan hoại, chia rẽ, trong mọi điều sụp đổ,
trong mọi cuộc hư hao, trong cơn nguy túng, trong lúc rối ngặt… nếu không kíp
dùng đạo đức, không mau chấn lập nền tảng Tăng-già, không sớm nâng cao nền Khất
Sĩ, thì không bao giờ được trường phục vĩnh viễn, vĩnh viễn mãi cho được! Trong
đời không sự hòa hợp nào bằng Giáo hội Tăng-già của các nhà du tăng khất sĩ
không danh lợi. Khất sĩ là giáo lý muôn năm của ông già, bền dài hơn xã hội
ngàn năm của người lớn và giáo lý trăm năm của gia đình kẻ nhỏ. Trong Giáo hội
mặc dầu không ai nhắn bảo mỗi ngày, mà các bậc khất sĩ sống chung bằng xác thân
rất thuận hòa, chan sớt cho nhau, nương tạm cùng nhau, như các xã hội ông già yếu
đuối. Còn tâm trí mỗi người, riêng ai nấy lo tu học thân thì sống chung, tâm
thì lo riêng. Nhờ giới luật nên chẳng hay xao xuyến, tuy luận bàn mà không hay
cãi lộn, cõi ấy an lạc thong thả biết bao.
38. Trong đời lắm kẻ rất lầm, khinh chê đạo Phật, để phải lầm
lũi sâu vào hố ác khổ nguy, kêu la cầu cứu mà chẳng biết kêu cứu cùng ai. Có kẻ
đến già chết, tam nghiệp chưa tiêu, cũng còn ghét khinh khất sĩ, để muôn kiếp
phải chịu mù quáng đau sầu. Cũng có lắm người tu mà không quên danh lợi, chẳng
nỡ dứt lục trần, nên bào chữa ác tật, mà chê đạo ngạo Tăng, ố Phật, học pháp tà
ma, lìa xa chánh giáo; mà nào đâu họ có dè, ngoài đạo Niết-bàn khất sĩ xuất
gia, là người ta còn đi lạc, nẻo tới còn xa. Và khi bối rối cùng đường, chẳng
biết phương nào tránh khỏi tà ma khổ loạn.
39. Đạo khất sĩ là chơn lý chánh pháp của trường võ trụ, là
đạo Bát chánh Niết-bàn, không bậc Hiền Thánh nào dám khinh rẻ, không kẻ quỷ ma
nào được thấu đạt, chánh giáo cao siêu hơn hết. Kẻ hành đúng sẽ thành Phật, người
hành trật sẽ làm ma. Thật là quý nhứt trong đời. Tuy lý sự hiển nhiên như mọi bữa,
mà ít ai lưu tâm trụ ý nghĩ soi nhìn, cùng dám hy sinh hành đạo. Vậy nên nay bằng
sớm mà ta hiểu được, đến chiều có thác dạ cũng vui mừng. Dầu người đã tuổi hơn
trăm, may mặc được áo khất sĩ giải thoát trong một thời, cũng là duyên may mắn
cho bước chân ngàn đời, nay đã định. Áo giải thoát, mà vua quan Trời Thần không
thể có, mặc nó vào nhẹ tợ lông hồng, trôi bay khắp vũ trụ non sông, ai mà lại
chẳng mong cầu ước muốn?
40. Thế mà cũng có người lại hỏi: Nếu tất cả đều là Tăng Khất
Sĩ hết, thì còn ai mà bố thí cho ai, và mặt đất một ngày kia còn ai ở?
Nào phải như vậy! Đúng chơn lý của tạo hóa, chúng sanh sanh
ra là đều xin nhờ lẫn nhau, để sống ăn học, đời nay không hiểu đạo lý, để vì miếng
ăn ngon đồ vật tốt, mà đi làm nô lệ cho thần quyền sái trật, nên phải tự mình
chịu khổ lấy, ai đi trúng nấy nhờ ai đi trật nấy chịu. Nếu mà được tất cả đều
hiểu mục đích, sống đúng chơn lý như vậy, thì nào đợi có ai phải lo bố thí cúng
dưng cho ai, vì sẵn trái lá hột hoa, ổ hang bọng đá, vỏ lá cói bàng, thuốc men
nơi thảo mộc, mặc sức xin dùng hê hả, như cổ nhơn xưa, như xứ Tây phương Cực lạc
của Phật.
41. Sự thật may mắn mà trên mặt đất nầy đều tu hết, làm Phật
hết, ăn ở trúng đạo hết, không còn ai vô đạo, thì không có danh lợi sắc tài, giặc
cướp tham gian; nhà xấu cho không ai lấy, bãi đất bỏ hoang cho không ai mượn,
núi sông bố thí chẳng ai xin, chắc là tốt đẹp lắm.
42. Ấy vậy ta nên nhớ rằng: Ta tham lam giựt giành lợi lộc của
đất nước cỏ cây thú, nên mới xúi cho kẻ khác, tham giựt lại chuyền tay, đó là
giặc cướp xây chuyền, nhơn quả tại mình vậy.
43. Mà thực ra nếu vì lẽ sống hơn là chết, thì ai lại không
cầu vái cho cõi đời thành xứ Phật, chẳng hơn là sự giành ăn giết nhau chết hết,
lại phá tan hoang có hay gì đâu? Nhưng nếu nói vậy là cũng còn sai lắm. Hỏi thử
trong trường học, lớp nhứt kia, bảo học trò, học vào đó hết được không? Chắc là
không. Vì còn trẻ nhỏ lớp chót nữa kia mà. Vậy nên trong lùm buội nơi xó góc,
còn có kẻ nhỏ nhít dạy khờ đang sanh sản, đặng tiến hóa vượt lên, thì dầu lớp nầy
không làm ác, không làm giặc, không sanh sản cũng chẳng hết loài người ta. Vả lại,
học trò hiện tại trẻ nhỏ rất nhiều, thì lớp nhứt có đâu theo được hết. Dầu năn
nỉ bảo ăn chay, bảo đừng làm ác, bảo ngồi yên đừng la giỡn đánh lộn, trong một
ngày cũng không được, huống hồ lại lo sợ thành Phật hết, mất giống ác quấy tham
gian hay sao?
44. Vậy thì vẫn hay chẳng được hết thảy đều tu học có đạo,
nhưng trong mười người, có được một người khất sĩ, và chín người nuôi hộ để
trao đổi tài pháp sống chung thì cũng là tốt lắm! Vậy ta nên biết rằng, trong
trường đời mà có lớp Khất sĩ đạo Niết-bàn, thì chúng sanh mới biết nương theo lớp
Trời, lớp người, lập ra lớp kế đó để bước lần lên. Và cho hay, nếu không có lớp
trên cao kia thì các lớp dưới cũng sẽ không có được, vì họ không thấy mục đích,
chỗ đến, thì lớp nhì lớp ba, lập ra có ích gì và có ai học theo để mà làm chi!
Như vậy thì sao lại sợ người ta giác ngộ làm Phật hết.