Tâm đức trong đời sống hàng ngày


Đức Phật nói rằng chúng ta không bao giờ xa rời sự giác ngộ. Ngay cả những lúc chúng ta cảm thấy bế tắc nhất, chúng ta vẫn chưa bao giờ thiếu vắng trạng thái tỉnh thức. Đây là một lời khẳng định mang tính cách mạng. Ngay cả những người bình thường còn phiền muộn và u tối như chúng ta vẫn có tâm giác ngộ và tâm ấy được gọi là tâm bồ-đề. Tâm bồ-đề được ví như sự mong manh của trái tim vụn vỡ. Đây là mắt xích để nối kết những ai đã từng biết yêu thương. Một trái tim thực sự biết buồn có thể dạy ta về lòng từ bi. Trái tim đó giúp ta khiêm tốn khi ta kiêu ngạo và giúp ta dịu dàng khi ta tàn nhẫn. Trái tim đó đánh thức ta khi ta mê ngủ và thờ ơ. Cái đau triền miên của trái tim vỡ vụn là một hạnh phúc, khi được hoàn toàn chấp nhận, có thể chia sẻ với tất cả mọi người.

Sự rộng mở và ấm áp của tâm bồ-đề thật ra là bản chất và nếp sống chân thật của mình. Ngay cả khi chúng ta bị chứng loạn thần kinh chức năng, hay khi chúng ta cảm thấy bối rối và thất vọng nhất, tâm bồ-đề - như bầu trời rộng mở - vẫn luôn hiện hữu, không hề mất đi dù có những đám mây tạm thời che khuất.

Tâm bồ-đề có mặt trong giây phút chúng ta lưu tâm đến vạn vật, như khi chúng ta lau kính hay chải tóc. Tâm bồ-đề có mặt trong giây phút chúng ta có nhận thức sâu sắc, biết chú ý đến bầu trời xanh, biết dừng lại để lắng nghe tiếng mưa rơi. Tâm bồ-đề có mặt khi chúng ta biết tri ân, khi chúng ta nhớ lại lòng tốt hay nhận ra lòng can đảm của ai đó. Tâm bồ-đề hiện hữu trong âm nhạc, khiêu vũ, nghệ thuật, và trong thơ ca. Bất cứ khi nào chúng ta buông xả và nhìn thế giới quanh ta, bất cứ khi nào ta tiếp xúc với nỗi khổ, với niềm vui trong cuộc sống, bất cứ khi nào ta buông bỏ sự bất bình và than vãn, trong khoảnh khắc ấy, tâm bồ-đề chính là đây.
Pema Chodron
Thủy-Dung dịch