Jan Chozen Bays
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trich dịch từ Làm Thế Nào Để Thuần Một Con Voi Rừng (How to Train a Wild Elephant), Jan Chozen Bays © 2011.)
Jan Chozen Bays, MD
(1945 - ), bác sĩ Nhi và cũng là thầy dạy Thiền ở tiểu bang Oregon, Mỹ. Từ những năm 1985, bà và chồng là Laren Hogen
Bays, đã dạy thiền tại Cộng Đồng Thiền Oregon, ở hạt Portland, Oregon.
Sư phụ của bà là Đại Lão Hòa Thượng
Hakuyu Taizan Maezumi Roshi, từ năm 1977 cho đến năm 1995
khi Hòa Thượng viên tịch. Bà cũng được
Ngài truyền Pháp vào năm 1983. Từ 1990
cho đến nay, bà vẫn tiếp tục phát triển sự thực hành với Shodo Harada, Thiền sư
Lâm Tế.
***
Khi bị bắt buộc phải chờ đợi, như
khi bị kẹt xe, phản ứng bản năng của chúng ta là phải làm gì đó để khỏi bực mình
vì chờ đợi. Ta vặn radio lên, gọi điện
thoại, nhắn tin hay chỉ ngồi đó thở ra khói.
Thực hành chánh niệm trong lúc chờ
đợi giúp ta tìm được nhiều khoảng thời gian ngắn trong ngày khi ta có thể khơi
sợi chỉ tỉnh thức lên khỏi nơi nó đang nằm ẩn núp dưới mạng vải chằn chịt của
cuộc sống. Chờ đợi, một sự việc bình
thường nhưng thường gây ra những tình cảm tiêu cực, có thể được chuyển hóa thành
một thứ quà tặng, món quà của thời gian rảnh rỗi để thực hành. Tâm sẽ được ích lợi đến gấp đôi: trước tiên,
là buông bỏ được các trạng thái tâm tiêu cực, thứ đến, là đạt được những hiệu
quả tốt đẹp của dầu chỉ vài giây phút tu tập được đan chen vào trong ngày.
Khi bạn hành pháp này, bạn sẽ biết
nhận ra rất sớm những biến đổi của thân theo sau các tư tưởng, cảm xúc tiêu cực
sắp bùng nổ như việc thiếu kiên nhẫn khi phải đợi chờ, hay tức giận vì cái ‘tên
ngu ngốc’ đang đứng ở phía trước trong hàng.
Mỗi lần chúng ta có thể dừng lại và không để cho trạng thái tâm tiêu cực
trổ ra quả (thí dụ, bực bội khi bị kẹt xe hay tức tối vì cô thu ngân chậm chạp),
là ta đang xóa đi một cách ứng xử quen thuộc nhưng bất thiện của tâm/trí. Nếu ta không để chiếc xe tâm cứ chạy đổ xuống
các rãnh cũ, ngọn đồi xưa, bãi lầy cũ, thì dần dần các rãnh sẽ được lấp đầy. Dần dần trạng thái tâm bực bội, chán nản quen
thuộc khi phải chờ đợi sẽ tiêu tan. Điều
này cần có thời gian để thực hành, nhưng sẽ có kết quả. Nó rất đáng công, vi tất cả những người chung
quanh ta cũng sẽ được lợi lộc.
Phần đông chúng ta đều dùng tâm đo
lường sự đáng giá của mình qua những kết quả thâu lượm được. Nếu tôi không tạo ra được gì hôm nay, nếu tôi
không viết sách, không đọc diễn văn, không làm bánh, không kiếm được tiền, bán
được hay mua được món gì đó, được điểm tốt trong ký thi, hay tìm được người bạn
lòng, thì ngày này của tôi coi như toi và tôi là kẻ thất bại. Chúng ta không cho mình được điểm nào nếu chỉ
dành thời gian để ‘có mặt’, để chỉ hiện hữu.
“Sự chờ đợi” do đó là nhân gây bực bội: Thử nghĩ
xem tôi có thể làm bao nhiêu việc nếu không phải chờ đợi!
Tuy nhiên, nếu bạn hỏi người thân họ thích điều gì nhất ở bạn,
chắc chắn rằng câu trả lời sẽ đại loại như là “sự có mặt” của bạn hay “sự quan
tâm chăm sóc” của bạn. Sự có mặt không tạo
ra sản phẩm cụ thể mà ta có thể đo lường, ngoại trừ những tình cảm tích cực,
cảm giác được nâng đỡ, sự thân thiết và hạnh phúc. Khi chúng ta không còn quá bận rộn, quá chăm
chú phải tạo ra cái gì đó mà chuyển sang chỉ tĩnh lặng và tỉnh giác, thì bản
thân chúng ta cũng cảm thấy được nâng đỡ, thân thiết và hạnh phúc, ngay cả khi
không có ai khác ở bên mình. Những tình cảm tích cực này là thứ sản phẩm rất
được ưa chuộng nhưng không thể mua. Đó là
sản phẩm tự nhiên của sự có mặt. Đó là
quyền lợi mà khi sinh ra con người vốn sẵn có mà chúng ta đã quên lãng rằng mình
sở hữu chúng.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trich dịch từ Làm Thế Nào Để Thuần Một Con Voi Rừng (How to Train a Wild Elephant), Jan Chozen Bays © 2011.)