Tất cả mọi người đều biết khổ - nhưng không
thật sự hiểu khổ. Nếu thực sự hiểu khổ thì chúng ta đã có thể chấm dứt khổ.
Người Tây phương thường vội vã, vì thế họ có
những hạnh phúc và đau khổ cực kỳ lớn. Chính các phiền não này cũng có thể là
nguồn trí tuệ sau này.
Để sống cuộc sống tại gia và thực hành Pháp,
ta phải sống trong thế tục nhưng ở trên nó. Việc giữ giới (sila), bắt đầu bằng năm giới căn bản. Đó là cội nguồn chính yếu đối với tất cả mọi
việc thiện. Chúng loại bỏ tất cả những cái xấu khỏi tâm, loại bỏ những gì tạo
ra sân hận và bực bội. Khi những điều căn bản này bị loại bỏ, thì tâm luôn ở
trong trạng thái của định (samadhi).
Lúc đầu, điều cốt yếu là giữ cho các giới thực
sự vững vàng. Thực hành thiền miên mật khi có cơ hội. Đôi khi việc hành thiền của
ta tốt, đôi khi không. Đừng quan tâm về điều đó, chỉ cần tiếp tục. Nếu nghi hoặc
phát khởi, chỉ cần nhận thức rằng chúng, giống như mọi thứ khác trong tâm, là
vô thường.
Từ căn bản đó, định sẽ xảy ra, nhưng trí tuệ
thì chưa. Chúng ta phải quán sát tâm khi nó vận hành – nhận thấy cái nó thích
và không thích phát khởi từ sự xúc chạm của các giác quan, và không bám víu vào
chúng.
Đừng nôn nóng đạt được kết quả hay tiến bộ
nhanh chóng. Trẻ nhỏ bắt đầu bằng việc bò, rồi tập đi, rồi chạy và khi nó hoàn
toàn trưởng thành, nó có thể đi hơn nửa vòng trái đất để đến Thái Lan.
Dana,
bố thí nếu được làm với chủ ý tốt, có thể đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho
người. Nhưng nếu việc giử giới chưa được hoàn hảo, thì sự bố thí có thể không
thanh tịnh, vì chúng ta có thể đánh cắp từ người này để cho người khác.
Tìm kiếm dục lạc là điều chẳng bao giờ chấm
dứt, vì ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Cũng giống như một cái lọ bị thủng đáy,
dầu chúng ta cố gắng chế đầy nước nhưng nước vẫn tiếp tục bị chảy ra. Sự thanh
tịnh của một đời sống tâm linh đưa đến kết quả cụ thể, nó chặn đứng sự chạy đua
kiếm tìm không dứt. Nó giống như bịt cái lỗ thủng trong lọ nước!
Sống trong thế tục mà hành thiền, người khác
sẽ nhìn bạn giống như một cái chiêng không được đánh, không tạo ra bất cứ âm
thanh nào. Họ sẽ coi bạn là vô tích sự, điên cuồng, bất đắc chí; nhưng thực sự
ra đó chỉ là điều ngược lại.
Bản thân tôi chưa từng nghi ngờ các vị thầy
nhiều, tôi luôn là người biết lắng nghe. Tôi lắng nghe những điều họ nói, dầu
đúng hay sai không quan trọng; rồi tôi chỉ thực hành. Cũng giống như bạn đang
thực hành ở đây. Bạn không nên có nhiều nghi vấn. Nếu ta luôn có chánh niệm,
thì ta có thể quán sát các trạng thái tâm của chính mình – chúng ta không cần
ai khác quán sát các trạng thái của chúng ta.
Có lần kia khi đang sống với một vị Sư mà
tôi phải tự may y. Vào thời đó, chưa có máy may, người ta phải may bằng tay, và
đó là một kinh nghiệm rất đắng cay. Vải thì dày mà kim thì lụt; tôi cứ đâm kim
vào tay mình. Tay tôi rát buốt, máu thấm
cả ra vải. Vì công việc này quá khó, tôi nóng lòng làm cho xong. Tôi trở nên đắm
mình trong công việc đến nỗi tôi không để ý rằng tôi đang ngồi ngoài trời nắng,
mồ hôi nhuễ nhoại.
Vị Sư đó đến bên tôi và hỏi tại sao tôi phải
ngồi ngoài nắng mà không ngồi trong mát. Tôi trả lời rằng tôi rất nóng lòng làm
cho xong việc, “Ông phải vội vã để đi đâu?” vị Sư hỏi. Tôi trả lời, “Tôi muốn
làm xong việc này để tôi có thể ngồi thiền và đi kinh hành”. Vị Sư hỏi lại, “Công việc của chúng ta có khi
nào xong không?” “Ồ!...” Câu nói đó đã đánh thức tôi. “Công việc của chúng ta
trong thế gian chẳng bao giờ chấm dứt,” vị Sư giải thích. “Ông nên dùng những
cơ hội như thế này để thực hành chánh niệm, và rồi khi đã làm đủ, ông nên dừng
lại. Hãy để nó xuống và tiếp tục việc hành thiền hay đi kinh hành của mình”.
Giờ tôi bắt đầu hiểu lời giáo huấn của Sư.
Trước đây khi may, tâm tôi cũng may và ngay cả khi tôi bỏ công việc may xuống,
tâm tôi vẫn tiếp tục may. Khi tôi hiểu những lời dạy của vị Sư kia tôi có thể thực
sự đặt việc may xuống. Khi may, tâm tôi may. Khi tôi đặt công việc may xuống,
tâm tôi cũng đặt công việc may xuống. Khi tôi không may, tâm tôi cũng không
may.
Phải biết được điều tốt và điều xấu trong việc
du hóa hay sống ở một chỗ. Bạn có thể không tìm thấy an bình trong hang động
hay đồi núi, bạn có thể du hành đến nơi Đức Phật giác ngộ, mà cũng không tiến gần
đến giác ngộ thêm chút nào. Vấn đề quan trọng là hãy ý thức
đến bản thân dầu bạn đang ở bất cứ nơi nào, bạn đang làm bất cứ điều gì. Viriya, sự nổ lực, không kể đến những gì
bạn đang làm ở bên ngoài, mà chỉ là sự luôn ý thức và kiềm chế bên trong.
Điều
quan trọng là không nên nhìn người khác và tìm lỗi với họ. Nếu họ hành xử không
tốt, thì không cần bạn phải tự làm khổ mình. Nếu bạn chỉ cho họ điều gì đúng và
họ không thực hành theo đó, thì hãy cứ để như thế. Khi Đức Phật tu học với các
vị thầy, Ngài nhận thấy rằng phương cách của họ còn thiếu sót, nhưng Ngài không
tranh cãi họ. Ngài đã học hỏi với sự nhún nhường và kính trọng đối với các vị thầy,
Ngài đã thực hành rốt ráo và nhận ra cách thức của họ chưa hoàn thiện nhưng vì
Ngài chưa đạt được giác ngộ nên Ngài không chỉ trích hay có ý muốn dạy họ. Sau
khi đã giác ngộ, Ngài nghĩ đến những người Ngài đã cùng tu học và muốn chia sẻ
những khám phá mới mẻ Ngài đã tìm thấy với
họ.
Chúng ta thực hành để được giải thoát khỏi
khổ, nhưng giải thoát khỏi khổ không có nghĩa là phải có mọi thứ như mình muốn,
buộc mọi người phải hành động như mình muốn, hay chỉ nói những gì làm vừa lòng
mình. Đừng tin vào những cách suy nghĩ đó của bạn. Thường thường sự thật là một
việc còn suy tư của chúng ta lại là một việc khác. Chúng ta cần phải có nhiều
trí tuệ hơn là sự suy tư, như thế thì không có vấn đề. Nhưng khi suy tư vượt
quá trí tuệ, thì vấn đề sẽ nẩy sinh.
Tinh tấn
(Tanha) trong việc thực hành có thể
là bạn hay thù. Trước hết nó thúc đẩy chúng ta đến đây thực hành – ai cũng muốn
được chuyển hóa, muốn chấm dứt khổ.
Nhưng nếu lúc nào chúng ta cũng muốn điều gì đó, nếu chúng ta muốn sự việc khác
hơn với bản chất của chúng, thì điều đó chỉ tạo ra thêm nhiều đau khổ.
Đôi khi chúng ta muốn buộc tâm phải im lặng,
nhưng nổ lực này chỉ khiến nó thêm phiền não. Nhưng nếu chúng ta dừng thúc đẩy
thì định lại phát khởi; rồi trong trạng thái tĩnh lặng và bình an đó chúng ta lại
bắt đầu suy nghĩ – Chuyện gì vậy? Ý nghĩa của nó là gì?... Và chúng ta lại trở
nên bực tức!
Ngay trước cuộc tập kết tăng đoàn lần đầu tiên,
một trong những vị đệ tử của Đức Phật đã đến để bảo với ngài Ananda rằng: “Ngày
mai là ngày kết tập Tăng đoàn, chỉ có những vị A-la-hán mới có thể tham dự”.
Lúc đó ngài Ananda vẫn chưa đạt được giác ngộ, vì thế ông hạ quyết tâm: “Đêm nay
ta phải làm được điều đó.” Ông thực hành miên mật suốt đêm, tìm cách trở nên
giác ngộ. Nhưng ông chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi, cuối cùng ông quyết định
buông bỏ, nghỉ ngơi một chút vì ông thấy sự nỗ lực, tinh tấn của mình chẳng đi
đến đâu. Nhưng ngay khi ông nằm xuống, đầu
vừa chạm gối, ông trở nên giác ngộ.
Những điều kiện ở bên ngoài không khiến bạn
khổ, khổ chỉ phát khởi từ tà kiến. Các cảm thọ: lạc hay khổ, thích hay không
thích, phát khởi từ sự xúc chạm của các giác quan –bạn phải ý thức được chúng ngay
khi chúng phát khởi, không chạy theo chúng, không để cho tham đắm trói buộc
–ngược lại, điều đó sẽ đưa đến sinh và hữu. Nếu nghe người khác nói năng, bạn
có thể bực bội vì bạn nghĩ là nó đã phá vỡ sự yên tĩnh, sự hành thiền của bạn,
nhưng nếu bạn nghe tiếng chim kêu thì bạn không nghĩ gì, bạn chỉ để cho âm
thanh đó qua đi, không gán cho nó bất cứ ý nghĩ hay giá trị gì.
Bạn không nên vội vã hay hối thúc sự thực
hành của mình mà phải nghĩ đến con đường dài…
Chúng ta có thể hành thiền trong mọi hoàn cảnh, dầu là đang tụng kinh,
làm việc hay ngồi trong am thất. Chúng ta không cần phải đi tìm một nơi chốn đặc
biệt nào để thực tập. Muốn tu ẩn cư một mình thì chỉ đúng phân nửa mà cũng sai
phân nửa. Không phải là Sư không tán thành sự hành thiền chỉ miên mật (định)
nhưng ta phải biết khi nào cần ra khỏi trạng thái đó. Bảy ngày, hai tuần, một
tháng, hai tháng – rồi sau đó trở về với con người và hoàn cảnh thực tại. Đó mới
là cách để trí tuệ được phát khởi; quá nhiều sự thực hành định không có lợi gì
hơn là người ta có thể trở nên điên khùng. Nhiều vị tu sĩ, muốn được sống một
mình đã bỏ chúng mà đi và rồi chết cũng có một mình!
Có người quan niệm rằng tu tập miên mật là
hoàn hảo, là cách duy nhất để tu tập bất kể đến những hoàn cảnh trong cuộc sống
bình thường, nhưng đó là họ đã bị thiền làm mê đắm.
Hành thiền là để phát khởi được trí tuệ trong
tâm, điều này chúng ta có thể làm ở bất cư nơi nào, bất cứ lúc nào và trong bất
cứ vị thế nào.
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
(Chuyển ngữ theo Timeless Teachings, trong tập THE
COLLECTED TEACHINGS OF AJAHN CHAH, Vol. 2)