Cám ơn cuộc đời

TLNX: Sống hài lòng với vật chất giản đơn là một cuộc sống thanh nhẹ, để có thể hướng đến con đường tâm linh nhiều hơn. Với hạnh phúc này, tôi hiểu ra rằng, khi nhu cầu tối thiểu để duy trì sự sống được đáp ứng, hạnh phúc tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc chủ quan của mỗi người hơn là những gì bên ngoài. Tại sao ta lại phải tự chuốc lấy khổ đau khi chìa khóa hạnh phúc ta đã nắm trong tay chứ?! Thật đơn giản. Đó là cách chia sẻ của Hằng Như trong nhiều bài viết gần đây. Cảm ơn Hằng Như đã chia sẻ bài viết này.
------------------------------------------------- 

Cuộc đời là kết tinh tất cả những gì góp phần làm nên cuộc sống sinh động trong ta và quanh ta, nuôi dưỡng ta thành một con người trong hiện tại. Ông bà tổ tiên, cha mẹ là một phần của cuộc đời. Điều kiện sống, môi trường tự nhiên, xã hội văn hóa là một phần của cuộc đời. Những mối quan hệ ta thiết lập với người quen kẻ lạ là một phần của cuộc đời… Mỗi mảng là một phần của cuộc đời đang cưu mang ta và cơ thể ta cũng là một phần của chính cuộc đời mình. Với tất cả những điều này, tôi luôn tâm niệm cám ơn cuộc đời, khi ở phương diện này, lúc ở khía cạnh khác, đã đưa tôi vào một thế giới muôn sắc màu lung linh đầy sinh động. Chính cuộc đời đã cho tôi những trải nghiệm sâu sắc và thú vị của kiếp người vô cùng đặc trưng và quý giá. Cuộc đời tặng ta bao điều mới lạ để ta có chất liệu làm mới bản thân mình mỗi ngày. Xin cám ơn cuộc đời, ít nhất ở các phương diện sau:



Cám ơn cuộc đời: ta được làm người, sáu căn đầy đủ

Cám ơn cuộc đời khi cho tôi hình hài một con người với đầy đủ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và chúng biết làm tròn chức năng của chúng một cách không thể hoàn hảo hơn trong cuộc sống hằng ngày. Với hình hài con người, tôi biết mình là một sinh vật ưu việt nhất trong các loài ở nhiều phương diện. Do vậy, đức Phật từng nói, được làm người là một cơ hội vô cùng quý hiếm. Có được thân người còn khó hơn cả con rùa mù sống trong biển cả, một trăm năm mới nổi trên mặt biển một lần mà chui vào được lỗ bộng duy nhất trên một thân cây trôi dạt giữa đại dương mênh mông vô định này(Tương ưng bộ kinh, tập V, chương 12: Phẩm 5:, mục 47: Lỗ khóa).
Những đặc tính ưu việt chỉ có ở con người này đã mở ra nhiều cơ hội cho mỗi cá nhân để có thể ngày càng hoàn thiện mình bằng con đường giáo dục. Thông qua các cửa ngõ giác quan, con người tiếp xúc với môi trường bên ngoài, thế là cả thế giới sinh động đầy màu sắc luôn biến chuyển được tâm “nhìn” qua lăng kính vạn hoa. Sự hiểu biết, kinh nghiệm sống và tính cách của từng cá nhân là nghiệp thừa tự từ trong quá khứ của mỗi người, trở thành nền tảng vững chắc và là nguồn nguyên liệu cho kiếp sống hiện tại, để rồi thông qua con đường tự giáo dục, mỗi người sẽ tiếp cận, phản ứng với những tác động của các duyên và sống với thế giới muôn màu muôn vẻ này. Nghiệp quá khứ của không giống nhau cùng với nghiệp hiện tại sai khác tạo nên những nét rất đặc trưng và độc đáo ở mỗi cá nhân, góp phần làm cho bức tranh cuộc sống vốn đa dạng và sinh động, lại càng đa dạng và sinh động hơn.
Nếu người nào có một trong các căn khiếm khuyết, như người khiếm thị khiếm thính, người thương tật tay chân, người bệnh down, người bị tâm thần ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau…, thì sự hòa nhập vào cuộc sống bị chướng ngại rất nhiều. Chứng kiến bao mảnh đời bất hạnh, tôi cám ơn nghiệp quá khứ của mình, cám ơn tổ tiên cha mẹ, cám ơn cuộc đời, đã chung tay đưa tôi đến với cuộc đời này là một con người có sáu căn đầy đủ, trong khi bao nhiêu người quanh tôi không đầy đủ hoặc khiếm khuyết chức năng về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hoặc tinh thần. Nhìn những người bạn mù, bị dị tật bẩm sinh, dị tật do di chứng của bệnh sốt bại liệt từ nhỏ từng học chung và sống chung với tôi, dù đã nỗ lực rất nhiều, nhưng các bạn vẫn gặp rất nhiều khó khăn để có thể học, nghiên cứu, và hòa nhập vào cuộc sống. Tôi biết mình còn may mắn hơn họ nhiều lắm và tôi nhắc mình không hoài phí những may mắn tôi có được.
Sống trong cuộc đời là ta đang vẽ bức chân dung của mình trên nền cuộc sống, nên mỗi bước chân ta đi đều in dấu trên đường ta đi qua, như bóng không rời hình. Cần để lại những dấu ấn tích cực làm đẹp cuộc đời này là một việc làm giàu tính nhân văn và cũng là cáhc để phần nào đền ơn cuộc sống. Xin cám ơn cuộc đời đã trao cho tôi cơ hội để sống ý nghĩa với sắc thân tôi đang có.

Cám ơn cuộc đời: ta biết hài lòng với đời sống đạm bạc

Đức Phật cho rằng đói là một chứng bệnh, thậm chí là một chứng bệnh lớn (Pháp cú 203). Sở dĩ đói là chứng bệnh lớn vì bệnh gì sau khi được chữa khỏi, có thể hết hẳn, hoặc bệnh vắng mặt trong một thời gian khá dài, còn đói thì không như vậy. Khi đói, ta ăn, ăn xong, chẳng  mấy chốc, lại đói nữa, phải có nhu cầu ăn nữa. Một ngày ta cần phải nhiều lần đưa “thuốc” thức ăn để điều trị “bệnh” đói. Cứ thế mà đáp ứng nhu cầu ăn chiếm một phần lớn thời gian và năng lượng chi phối cuộc sống con người. Thật vậy, phần lớn cuộc đời ta dành cho việc tìm kiếm cái ăn và ăn.
Có đủ cơm ăn, áo mặc, nước uống mỗi ngày là một hạnh phúc, vì ta biết hiện tại vẫn còn nhiều người, ngần ấy nhu cầu đã quá xa xỉ rồi. Thỉnh thoảng thấy một bà cụ lụm khụm ngồi bên mớ rau héo ở góc chợ, hay một ông lão khệnh khạng vác cuốc ra đồng, ta không khỏi chạnh lòng. Đâu đó gặp trên báo chí những câu chuyện về các cụ già neo đơn không con cháu tựa nương vẫn phải tần tỏa mưu sinh dù tuổi cao sức yếu, ta động lòng trắc ẩn. Ở Ấn Độ, hằng năm, có trên ngàn người chết khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh vì họ phải lang thang ăn ngủ trên vỉa hè quanh năm mà không có được túp lều che thân, họ cũng không có được bữa ăn đủ no trong suốt nhiều ngày. Vậy ta mới thấy cuộc đời còn lắm người nghèo khổ và bất hạnh và điều tưởng chừng đơn giản là đủ áo cơm dù đạm bạc qua ngày là điều hạnh phúc ta cần phải biết trân quý.
Trong khi đó, nhiều người quá đầy đủ với nhu cầu ăn, ở, mặc và đi lại vẫn chưa bao giờ biết hài lòng với những gì mình đang có vẫn khổ đau do tâm tham điều động và chi phối. Được một, họ mong được hai, ba; được hai, ba, họ mong được mười, được mười, họ muốn cả trăm, cả ngàn… cho đến muốn cả những gì hiện diện trên mặt đất này, muốn cả bầu trời thuộc về quyền sở hữu của họ. Chính cái “muốn” làm cho họ khổ, trong khi đó, những gì con người thật sự cần không là bao cả. Dù có sở hữu bao nhiêu dinh thự nằm ở nhiều vị trí đắc địa ở các khu đất vàng, khu đất kim cương thì tối về, họ cũng chỉ có thể nằm ngủ trên một chiếc giường mà thôi. Dù có làm chủ sở hữu nhiều tài sản giá trị, khi chết rồi, vật chất thế gian liền chuyển chủ, ta không đem theo được gì. Ấy vậy mà nhiều người làm đến không còn đủ thời gian để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của con người là ăn và ngủ. Tội gì phải vất vả, khổ sở, bất an với việc sở hữu tài sản đến vậy?
Ra đời hai tay trắng,
Lìa đời trắng hai tay,
Sao mãi nhặt cho đầy,
Túi đời như mây bay.
Như vậy, không có đủ nhu cầu tối thiểu cho cơ thể vật lý này hoặc quá thừa mứa mà vẫn cảm thấy thiếu đều đưa đến bất an và khổ đau. Đức Phật dạy rằng người biết đủ là người giàu sang ở đời(Pháp cú, câu 204).Ngài luôn khen ngợi những người sống đạm bạc, thanh bần, dễ hài lòng với các nhu cầu về thức ăn, y phục và chỗ ngủ nghỉ (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm III, kinh số 28). Không để các nhu cầu mang tính bản năng ấy thúc bách, chi phối mình là một hạnh phúc lớn ở đời. Cám ơn cuộc đời khi ta biết hài lòng với nhu cầu ăn đạm bạc, mặc thanh bần, ở đơn giản, tạm đủ qua ngày để thân này được nuôi dưỡng, bảo trì làm ngôi nhà vững chãi cho tâm nương gá trong cuộc sống này. Sống hài lòng với vật chất giản đơn là một cuộc sống thanh nhẹ, để có thể hướng đến con đường tâm linh nhiều hơn. Với hạnh phúc này, tôi hiểu ra rằng, khi nhu cầu tối thiểu để duy trì sự sống được đáp ứng, hạnh phúc tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc chủ quan của mỗi người hơn là những gì bên ngoài. Tại sao ta lại phải tự chuốc lấy khổ đau khi chìa khóa hạnh phúc ta đã nắm trong tay chứ?!

Cám ơn cuộc đời: ta vẫn còn khỏe

Người ta thường nói, sức khỏe là vàng. Thật ra, nếu xem sức khỏe là một thứ tài sản, thì đây là tài sản quý hơn hết, quý đến mức không có gì ngang bằng để có thể so sánh được. Trong bài kinhMagandiya, Trung bộ kinh số 75, đức Phật nói người có sức khỏe là người giàu sang nhất. Khi ta mạnh khỏe, ta có thể làm mọi việc, tạo ra mọi thứ, cuộc đời vô cùng tươi vui và mọi công việc dù lớn đến đâu ta cũng sẽ dễ dàng thực hiện. Khi đau yếu thì cái gì cũng “lực bất tòng tâm”, một công việc dù nhẹ nhàng đến đâu đối với ta cũng trở nên khó khăn, đầy mệt nhọc. Cuộc sống sẽ đen tối và buồn tẻ và với tâm lý “hoài cổ”, ta cứ nhớ tiếc và so sánh lúc sức khỏe xuống dốc với khi sức khỏe đang sung mãn trước đó. Có điều mỉa mai hơn nữa, là khi mình còn có sức khỏe, không mấy ai biết trân quý tài sản quý giá nhất đời người này, chỉ khi nào mất nó, ta mới cảm nhận đầy đủ tầm quan trọng của sức khỏe, mới tiếc nhớ nhưng đã muộn màng rồi!
Hiểu được điều này, ta trân quý sức khỏe, biết bảo dưỡng thân xác bằng cách cung cấp thức ăn bổ dưỡng, lành mạnh và có chế độ ăn hợp lý cho cơ thể để thân này đồng hành cùng ta trên một hành trình dài trong cuộc đời này. Khoa học đưa ra nhiều bằng chứng đáng tin cậy rằng chúng ta bệnh phần lớn do rối loạn chuyển hóa trong quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Ví dụ, do rối loạn chuyển hóa purin làm tăng Acid uric máu gây nên bệnh gout, còn rối loạn chuyển hóa glucid, lipid và protid dần đến tiểu đường và tăng mỡ máu… Trạng thái tâm lý, thái độ sống và đời sống tinh thần có vai trò chủ đạo và trực tiếp đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người. Vì vậy, biết duy trì đời sống tinh thần lành mạnh là góp phần tích cực vào việc bảo dưỡng thân thể khỏe mạnh vậy. Cần bảo trọng thân này, dù không cung phụng, chải chuốt hay cưng chìu nó, cần đối xử tử tế với nó, xem nó như chiếc thuyền chở khách qua sông, chưa đến bờ kia thì đừng đối xử phũ phàng với chiếc thuyền thân xác này vậy.
May mắn cho những ai biết trân quý sức khỏe khi mình vẫn đang có sức khỏe sung mãn. Có sức khỏe, ta mới có thể sử dụng sức khỏe ấy để làm nhiều việc lợi ích cho mình và cho người. Dù đang mang trong người căn bệnh mãn tính như “người bạn không mời”, tôi vẫn có lý do để cám ơn cuộc đời khi mỗi sáng mai thức dậy, tôi thấy mình còn đủ khỏe để sống trọn vẹn ngày hôm nay trong khi nhiều người quanh tôi còn lắm bệnh tật và kém khỏe hơn mình. Mỗi sáng dậy, đầu óc tôi vẫn còn sáng suốt để bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng là điều quý báu mà không phải ai cũng có được. Mỗi bình minh, tôi thức dậy với tinh thần minh mẫn và sảng khoái sau một giấc ngủ sâu và ngon trên chính chiếc giường trong phòng mình là một điều hạnh phúc lớn. Ấy thế mà rất nhiều người chỉ thấm thía hạnh phúc này khi nó vụt mất. Đó là lúc ta phải trằn trọc và cảm nhận đêm dài lê thê khi dỗ mãi mà giấc ngủ không chịu đến, hoặc cho đến một ngày, mở mắt ra không thấy không gian quen thuộc của căn phòng nhà mình mà là phòng bệnh viện với một màu trắng toát! Xin cám ơn cuộc đời!

Cám ơn cuộc đời: mỗi sáng mỗi tinh khôi

Cuộc đời luôn tươi mới với những ai có thái độ sống tích cực và thấy cuộc đời là cuốn sách không có trang cuối đã và đang cho ta bao bài học quý đầy ý nghĩa và lợi ích. Xin cám ơn cuộc đời, ta có được cơ hội học hỏi bao điều hay lẽ đẹp, không chỉ ở môi trườnghọc đường mà còn ở sự đa dạng muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, không chỉ ở con người mà ở cả những đám mây bay lơ lửng trên trời xanh hay mấy đóa hoa dại khép nép nở ven đường. Cuộc sống vận động không ngừng, nên nó luôn mới mẻ và đầy sức sống. Ta tiếp thụ cái cảm hứng năng động này để tự mình làm mới, năng động hơn thì cuộc sống thật sự là một món quà quý hiếm.
 Tất cả những điều kỳ diệu mới mẻ ta biết thêm mỗi ngày đều nhờ quá trình học tập mà có. Chỉ có sự học mới tạo nên sự khác biệt giữa người và loài vật; cũng chính sự học tạo nên sự khác biệt giữa người này với người kia. Nhiều người có cùng một xuất phát điểm, trải qua một thời gian, tùy thuộc vào quá trình học và ứng dụng của từng người, không ai giống ai về sự hiểu biết, độ thẩm thấu cuộc sống, độ nhận thức môi trường xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo… và do đó, hạnh phúc và khổ đau cũng biến tấu đa dạng tùy vào sự trải nghiệm cuộc sống của mỗi người.
Theo quan điểm đạo Phật, học không phải là tích lũy một mớ kiến thức có tính lý thuyết mà học chính là thực hành những phương pháp sống thiết thực để đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và cho người. Người ta thường nói học thiền, học chánh niệm, học nói lời chân thật, học sống theo lời Phật dạy… Học là cách để chuyển hóa bản thân theo hướng tích cực. Mỗi ngày, ta thấy cuộc sống luôn sống động và mới mẻ, nghĩa là ta thấy đời luôn ẩn chứa nhiều bài học hữu ích cho mình. Nếu ta không thấy mới, làm sao có thể học gì thêm? Nếu ta thấy trái đất cũ kỹ thì nó có quay đến mòn trục ta cũng không học được gì, và tự ta làm thui chột một năng lực vô cùng đặc biệt chỉ có ở con người: khả năng tiếp thu và chuyển hóa, tức là khả năng tiếp thu kiến thức và thực hiện quá trình tự giáo dục bản thân cho toàn thiện hơn.
Mặt trời vẫn mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây, bốn mùa xuân hạ thu đông dắt tay nhau đi qua lòng đất trời, không vì thế mà thế giới này xưa cũ với những điều tưởng chừng luôn cố định ấy. Cứ ngỡ là trời đất mênh mang vẫn như chuỗi ngày qua, như bao năm trước, như nhiều thế kỷ trước; nhưng không, cuộc sống vận hành mới mẻ trong từng đơn vị thời gian nhỏ nhất là sát na. Mỗi sáng mở mắt đón chào bình minh, nếu ta còn có thể cảm nhận được mỗi sáng mỗi tinh khôi, mỗi ngày mỗi mới thì ta sẽ được hưởng ân phước lớn từ cuộc đời này. Hãy hân thưởng cho mình từng cơ hội để đón nhận sự tươi mới của cuộc đời một cách trọn vẹn nhất, đầy ắp năng lượng mỗi ngày; xin cám ơn cuộc đời.

Cám ơn cuộc đời: ta còn biết nuôi tâm

Sống ở đời, nhiều người chỉ biết lao vào cuộc sống vật chất và dồn tất cả thời gian, năng lượng và sức lực để tạo ra của cải vật chất càng nhiều càng tốt, vì họ ngỡ rằng tài sản thế gian là phao cứu tinh, có thể đem lại hạnh phúc viên mãn cho người sở hữu chúng. Không ai phủ nhận những hạnh phúc ở thế gian, chính đức Phật cũng chấp nhận điều này. Thế nhưng, Ngài nói rằng những loại hạnh phúc đời thường này có tính điều kiện, chịu sự chi phối của vô thường, nên nó tạm bợ, chóng vánh, vô cùng mong manh và ẩn chứa căng thẳng, bất an và khổ đau ngay cả khi ta đang hưởng thụ hạnh phúc, nên chúng chẳng đưa đến cái kết có hậu cho chúng ta. Đức Phật rất nhiều lần dạy rằng, các dục lạc ở thế gian vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn (Trung bộ kinh, số 14:Tiểu kinh khổ uẩn; số 22: Kinh Ví dụ con rắn). Thật là vô lý và thiếu khôn ngoan nếu dành cả cuộc đời này đầu tư cho những điều chắn chắn sẽ đem lại khổ đau cho mình. Có mấy ai thường xuyên tư duy đến điều này và nếu ta biết nghĩ như vậy, đây quả là một điều hạnh phúc!
Nuôi dưỡng tâm, chăm sóc tâm, canh chừng, phòng hộ các cửa ngõ giác quan là cách tốt nhất để có được hạnh phúc lâu dài và không lệ thuộc. Ý thức được điều này, nếu dành nhiều năng lượng cuộc sống, thời gian và tâm huyết cho việc trau tâm, ta sẽ thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn và hạnh phúc nhiều hơn. Khi biết tham lam, ích kỷ, sân hận, hãnh tiến, cống cao, háo thắng và nhất là si mê đần độn là những thức ăn không bổ dưỡng cho tâm, ta phải miên mật canh chừng các cửa ngõ giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chế ngự tâm, chuyển hóa tâm để dần thanh lọc tâm và dành cho tâm những dưỡng chất tâm linh như thương yêu, bao dung, nhẫn nhục, hòa hợp, tinh tấn và hướng thiện.
Ai có phước duyên gặp được Phật pháp thì hãy khởi tâm cám ơncuộc đời, khi ta có nhân duyên gặp được tấm bản đồ chỉ rõ những nơi ta cần đến trên lộ trình tâm thức. Đây là một điều diễm phúc lớn ở đời khi có người quờ quạng cả một đời mà không có được tấm bản đồ như thế. Thế nhưng với tấm bản đồ trong tay, ta phải theo sự hướng dẫn trong ấy và tự thân vận động đến nơi mình muốn chứ không ai thay mình làm được việc này. Trách  nhiệm bản thân được đức Phật nhiều lần nhắc nhở các đệ tử của Ngài rằngHãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác (Trường bộ kinh số 16: Đại bát Niết-bàn; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm V, kinh Tự mình làm hòn đảo; Tương ưng Bộ Kinh, tập V, chương III, phẩm I, kinh Bệnh). Tự tin, tự lập về tinh thần, phát huy hiệu quả và hợp lý nhất những gì ta có trong tầm tay để không lạc đường và phí sức với tấm bản đồ tâm linh trong tay, ta có thể chế tác hạnh phúc cho mình từ nguồn nội tâm và đây là hạnh phúc lớn của đời người. Xin cám ơn cuộc đời.

Cám ơn cuộc đời: bao người nuôi ta lớn

Cuộc sống này là một mạng lưới vô cùng phức tạp và kỳ diệu khi vô vàn nhân duyên đan xen nhau dệt nên sự sinh động, phong phú cho cuộc đời này. Chính trong “tấm thảm” cuộc đời với những họa tiết và màu sắc đa dạng, mỗi một con người, sự vật và hiện tượng nào cũng nằm trong mối quan hệ liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau mà từ chuyên môn của đạo Phật gọi là duyên sinh và cộng sinh. Điều này nhắc ta luôn nhớ rằng, cuộc đời này là một sự kết nối chằng chịt của rất nhiều yếu tố, rất nhiều con người bằng những sợi dây vô hình để từ đó, ta biết quý trọng con người, các mối quan hệ con người và chung sống hòa bình với tất cả trong môi trường ta đang có mặt. Ta được đời nâng đỡ, chở che, ta được muôn người nuôi lớn và dạy khôn trong các mối quan hệ xã hội chằng chịt, ngay cả với những người không quen biết. Trong mối tương giao tiếp hiện này, cũng như bao người khác, ta là một mắc xích để nhờ vào nhau mà sống, nương vào nhau mà tồn tại. Từ quan hệ cộng sinh và duyên sinh, ta học được nhiều bài học thật ý nghĩa:
Xin cám ơn cuộc đời cho ta biết trân trọng sức lao động chân chính của bao người chung sống trên cuộc đời này để cho ta tất cả những tiện nghi cuộc sống thông qua giá trị trao đổi của đồng tiền, để ta biết quý trọng công ơn của tất cả mọi người quanh ta. Thọ ân cuộc đời, ta nên nhắc mình nên sử dụng những gì ta cần hơn là chiếm hữu những gì ta muốn, vì chiếm giữ, sở hữu nhiều hơn những gì ta cần là một cách phung phí, đồng nghĩa với việc giành mất phần ăn và phần sống của nhiều người kém may mắn khác. Hãy ý thức của tạm xài chung, của chung xài tạm để sẵn lòng yêu thương chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
Xin cám ơn cuộc đời, ngoài việc trao đổi vật chất, ta đã gặp được nhiều thiện tri thức để hỗ trợ, chia sẻ và giúp ta mở mang nhiều kiến thức quý báu trong cuộc sống. Những gì ta nhận được từ mọi người thật đáng trân trọng và là hành trang gom kết thành vốn sống cho ta mà không một cuốn sách giáo khoa này có thể dạy ta hết những điều này. “Biết làm con không thiếu người dạy dỗ, biết làm trò không thiếu kẻ thương yêu”. Giữa cuộc đời bao la, ta chỉ là hạt cát giữa sa mạc mà thôi. Với tâm thế này, ta sẽ học bao điều hay lẽ đẹp từ cuộc đời. Để đáp lại phần nào ân nặng ta thọ nhận từ bao người, chút ít hiểu biết cỏn con nào mình có được, nếu có người cần đến, ta sẵn lòng, tận tâm chia sẻ trong tinh thần “kiến thức chung chỉ giải cho nhau”, chia sẻ chân thành, vô tư, vô chấp. Dòng tri thức của nhân loại sẽ chảy qua các thế hệ, chảy qua mọi nơi không ngăn ngại không gian và là vốn liếng chung cho tất cả. Xin cám ơn cuộc đời.

Cám ơn cuộc đời: ta sống trong yêu thương

Xin cám ơn cuộc đời, nhờ sự bảo bọc yêu thương của bao người thân và sự tử tế của nhiều người không thân mà ta được nuôi lớn và trưởng thành. Đầu tiên và trên hết là cha mẹ ta, đã nâng niu ta từ trứng nước. Không những vậy, ta còn nhận được bao tấm lòng từ những thầy thuốc, những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội để đáp ứng tất cả nhu cầu cuộc sống của mình. Biết nghĩ đến người khác và sống cho người, vì người để nhắc ta nhớ rằng, nhờ bao bàn tay đỡ nâng, bao con tim ấp ủ tình người, ta mới có cuộc sống ngày hôm nay là cách thiết thực nhất để đáp lại phần nào ơn sâu này.
Ý thức rằng, cuộc sống của mình là kết tinh của bao tình thương yêu của những người thân và không thân ở nhiều khía cạnh và nhiều mức độ khác nhau, ta cần trân quý hơn cuộc sống này bằng cách dốc sức tận tâm làm mọi việc lợi ích cho mình cho người. Ta không nên hủy hoại thân thể mình dưới bất kỳ hình thức nào, vì làm như thế, con có tội với  ông bà tổ tiên, gần nhất là cha mẹ đã cho ta thân này và bao người quanh ta giúp ta hình thành và trưởng thành nhân cách như ngày hôm nay.
Trân trọng tình thương yêu của bao người, ta cần bảo trọng sức khỏe, ăn uống điều độ, không chìu theo sở thích, chế ngự tâm để thắng phục bản năng, thức ngủ được huân vào nếp sống thuần thục, góp phần bảo trì sức khỏe, để nâng cao chất lượng cuộc sống mà không phải làm bận tâm nhiều người.
Sống trong yêu thương, trái tim ta được tưới tẩm và nuôi lớn bằng dưỡng chất yêu thương, ta cần trải lòng yêu thương ấy đến đồng loại của mình và cả loài vật nữa để để đem tình thương yêu nối vòng tròn khép kín nâng đỡ cả nhân gian này. Biết thương yêu những người thân của mình, những người bình thường và dần trải lòng thương đến cả những người ghét mình nữa, quan tâm đồng cảm trong những thăng trầm của cuộc sống là cách ta trả ơn đời vậy. Cám ơn đời ta sống trong yêu thương và cũng biết hiến tặng yêu thương. Hãy chắt chiu từng giọt ân tình trong kiếp sống này.
Tất nhiên đời không phải là thảm hoa đẹp sắc thơm hương chào đón nâng gót ta mỗi ngày. Vẫn biết rằng gai góc sỏi đá vẫn có đó trên từng bước chân, vì “đất chưa phải thật vàng ròng; Lòng chưa phải thật tấm lòng từ bi” (NT Huỳnh Liên). Thế nhưng, ta thọ ân đời nhiều vô kể, nên hãy trân trọng và nhìn đời bằng đôi mắt của “nửa ly nước đầy” – nhìn tích cực vào cái ta được chứ không phải cái ta mất! Những gai góc, đá sỏi của cuộc đời chỉ là thử thách để giúp ta trui rèn nghị lực chứ không phải trở ngại để ta thối tâm lùi bước. Hãy giẫm lên sỏi đá mà không để vài hạt sạn vương vào gót giày làm bận tâm không đáng có và hãy để yên gai góc nằm bên vệ đường để không vướng lối ta đi.
Một lần nữa, xin cám ơn cuộc đời…
Hằng Như