Hình ảnh đích thực của Đức Phật Sakyamuni là hình ảnh sống động của một vị Thầy vân du suốt bốn mươi lăm năm giảng giải con đường chuyển hóa những khổ đau trong cuộc đời. Đó là hình ảnh một vị Thầy chỉ dạy phương pháp sống lành mạnh và an vui. Hình ảnh của Đức Phật Sakyamuni là hình ảnh không mang sự phân biệt đông tây nam bắc, không phân sang hèn giàu nghèo, không có lớn nhỏ trong ngoài… Đức Phật là Đức Phật, là một cho tất cả. Đức Phật là vị Thầy thấy rõ khổ đau của cuộc đời, là người Thầy thấy rõ nguyên nhân của khổ đau, là người Thầy thấy rõ phương cách chuyển hóa nguyên nhân của khổ đau và chấm dứt mọi khổ đau. Phương cách chuyển hóa này Ngài đã thực hiện. Bằng kinh nghiệm của mình, Ngài dạy.
---------------------------
Một lần tìm Phật
Giác Kiến
Đó là lần tôi khựng lại ngước nhìn Đức Phật trong tâm thái do dự. Đó là lần mà tôi thấy cần chia sẻ với vài người bạn có duyên trên con đường tìm lại sự bình an cho mình. Vì thấy cần chia sẻ mà chưa thấy chắc là mình đã tìm gặp Phật nên do dự. Nhưng dù sao, đó cũng là một lần tìm Phật có ý nghĩa. Dĩ nhiên, đó không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng. Lần ấy, tôi thấy Đức Phật là một vị Thầy bằng xương bằng thịt sống vào thế kỷ thứ năm trước tây lịch ở một vùng thuộc phía Bắc Ấn Độ. Trước khi thấy rõ chơn lý và được gọi là bậc Giác Ngộ, Đức Phật vốn là một thái tử thuộc dòng vương gia Sakya, tên là Siddhattha Gotama. Là một con người như bao người, đối mặt với những khổ đau của cuộc đời, thái tử Siddhattha Gotama đã chọn con đường thiền định để rèn luyện và chuyển hóa tự thân. Chuyển hóa tận gốc các mầm mống của đau khổ, Siddhattha Gotama trở thành người Giác Ngộ.
Ngài trở thành một bậc Thầy, có thể nói là hiện thân của một nhân cách vĩ đại nhất trong các nhân cách vĩ đại của lịch sử nhân loại. Chính nhân cách tỏa sáng ấy, trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, cuộc đời và tư tưởng của Đức Phật vẫn mãi là chỗ nương tựa của ngàn ngàn con người thuộc nhiều giai tầng xã hội.
Lần ấy, với tinh thần chia sẻ, tôi thử đặt mình vào hoàn cảnh một số người thân, và cứ thế mà suy tưởng, nhận ra rằng, hình ảnh của Đức Phật đa dạng lắm, chứ không phải chỉ một nhân dáng Giác Ngộ như tôi vừa chia sẻ. Có thể cũng có ngàn ngàn hình ảnh Đức Phật khác nhau tùy theo sự cảm nhận của mỗi người.
Sự đa dạng ấy có thể được ghi nhận dễ dàng và rõ nét nhất qua cách thể hiện của mỗi cá nhân. Quan sát một người đối diện trước tôn tượng Đức Phật, chúng ta có thể ‘đọc’ trên khuôn mặt của mỗi người phần nào cách cá nhân đó cảm nhận về Đức Phật. Hình ảnh Đức Phật trong tâm thức một nhà sư trọn đời sống theo gương hạnh của Ngài đau đáu với tâm nguyện hoàn thiện mình, hẳn là không giống hình ảnh của Đức Phật trong tâm thức một bác bán hàng rong, lòng đầy lo toan mỗi khi tìm về nương tựa bên chân Đức Phật.
Cùng quỳ trước tôn tượng của Đức Phật Sakyamuni, Đức Phật hiện ra trong tâm tưởng của một người Tàu không thể hoàn toàn giống với Đức Phật hiện ra trong tâm tưởng của một người Tây, dù cả hai có thể học hiểu về lịch sử Đức Phật như nhau. Tượng Phật có thể chỉ là một khối xi măng đối với một người không tin vào thế giới tâm linh, nhưng đối với những người Phật tử thuần tín, tượng Phật là một vật quý nhất có ý nghĩa đặc biệt trong suy nghĩ và hành động của họ.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự ảnh hiện đa dạng của Đức Phật nơi mỗi người, cũng như có nhiều lý do để giải thích cho sự duy nhất của Đức Phật giữa muôn ngàn hình ảnh khác biệt kia. Sở dĩ có sự đa dạng này là do con người tiếp cận Đức Phật bằng nhiều cách khác nhau. Thêm vào đó, môi trường xuất thân, trình độ nhận thức, hoàn cảnh sống, trạng huống tâm lý sai khác ở mỗi người… cũng là những yếu tố tạo nên một hình ảnh của Đức Phật trong lòng họ.
Nếu bạn xuất thân trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, bạn có thể dễ dàng chấp nhận hình ảnh Đức Phật là một vị thầy Giác Ngộ, đầy đủ trí tuệ và lòng yêu thương, và là chỗ dựa vững chắc nhất của đời bạn. Nếu bạn xuất thân trong một gia đình không theo một truyền thống tôn giáo nào cả, hình ảnh Đức Phật có thể rất nhạt nhòa trong tâm trí bạn nếu bạn có duyên được tiếp cận. Tất nhiên, hình ảnh đó còn có thể phụ thuộc vào những “hành trang” mà một người mang theo trước khi chào đời nữa.
Trong các yếu tố góp phần hình thành nên hình ảnh Đức Phật trong tâm thức của mỗi người, điều kiện tiếp cận có thể nói là một trong các yếu tố rất quan trọng. Nếu bạn biết đến Đức Phật sau một buổi kinh cầu an cho người thân đang lâm bệnh, Đức Phật trong lòng bạn có thể là đấng có quyền năng ban ân phước. Nếu bạn biết đến Đức Phật sau một thời kinh cầu siêu cho người thân vừa qua đời, Đức Phật trong lòng bạn có thể là bậc siêu nhiên có khả năng tiếp độ cho các linh hồn sau khi lìa đời về một cõi bình yên nào đó. Nếu bạn biết đến Đức Phật khi bạn đang cố tìm một câu trả lời dứt khoát cho những rắc rối trong quan hệ với người, Đức Phật có thể hiện ra trong lòng bạn là một người rất người có thể chỉ cho bạn lối ra mỗi khi bạn vướng vào hệ lụy. Bạn cũng có thể đã tiếp cận với Đức Phật một cách tình cờ qua một người bạn, qua một lễ hội, qua một chuyến tham quan, hay qua một quyển sách.
Lần ấy, nhờ thử đặt mình vào những ngữ cảnh khác nhau mà tôi đã nhận ra Đức Phật ảnh hiện không đơn điệu như tôi đã tưởng.
Thế nhưng, dù sự ảnh hiện của Đức Phật có thật như thế nào trong tâm tưởng, cái tưởng kia vẫn là tưởng, và Đức Phật mãi là Đức Phật.
Lần ấy, tìm Phật, tôi đã nghĩ rằng bất kể chúng ta tiếp cận với Đức Phật bằng con đường nào và Đức Phật ảnh hiện trong tâm thức chúng ta ra sao, điều quan trọng hơn hết là trong bất cứ hoàn cảnh nào Đức Phật vẫn luôn xuất hiện như là một vị Thầy dạy cho chúng ta con đường thoát khổ ngay cả khi tâm trí chúng ta chưa sẵn sàng nhận ra điều đó. Và tôi đã chủ quan cho rằng, hiểu được điều này, có lẽ những hình ảnh đi đôi với những thắc mắc trong tâm trí của một người bình thường như Đức Phật lịch sử, Đức Phật truyền thuyết, Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà, Phật Đại Thừa, Phật Tiểu Thừa, Phật Nam, Phật Bắc, Phật Tàu, Phật Miến không còn là vấn đề nữa.
Có sự chủ quan như thế là tại vì, trong khi lý do của sự đa dạng về hình ảnh Đức Phật thuộc về bản tính, điều kiện và môi trường sống của cá nhân, sự duy nhất nơi nhân cách của Đức Phật thuộc về Đức Phật lịch sử Sakyamuni. Hình ảnh đích thực của Đức Phật Sakyamuni là hình ảnh sống động của một vị Thầy vân du suốt bốn mươi lăm năm giảng giải con đường chuyển hóa những khổ đau trong cuộc đời. Đó là hình ảnh một vị Thầy chỉ dạy phương pháp sống lành mạnh và an vui. Hình ảnh của Đức Phật Sakyamuni là hình ảnh không mang sự phân biệt đông tây nam bắc, không phân sang hèn giàu nghèo, không có lớn nhỏ trong ngoài… Đức Phật là Đức Phật, là một cho tất cả. Đức Phật là vị Thầy thấy rõ khổ đau của cuộc đời, là người Thầy thấy rõ nguyên nhân của khổ đau, là người Thầy thấy rõ phương cách chuyển hóa nguyên nhân của khổ đau và chấm dứt mọi khổ đau. Phương cách chuyển hóa này Ngài đã thực hiện. Bằng kinh nghiệm của mình, Ngài dạy.
Khổ đau là một thực tại của cuộc sống. Chính vì khổ đau hiện diện mọi nơi và mọi thời, nên phương cách chuyển hóa nguyên nhân của khổ đau và chấm dứt mọi khổ đau mà Đức Phật dạy lúc nào cũng cần thiết và ở đâu cũng có giá trị. Và chỉ khi nào chúng ta thực sự nhận ra khổ đau nơi mình, chúng ta mới thực sự tiếp xúc được với vị Thầy dạy cho chúng ta con đường thoát khổ đó.
Với suy nghĩ như vậy, tôi tin rằng hai mươi lăm thế kỷ trước, Đức Phật là một vị Thầy như thế; ngày nay và ngàn sau, Đức Phật vẫn là một vị thầy như thế. Đó là một lần tìm Phật, mà đến hôm nay, khi nghĩ về sự thành đạo của Đức Phật, tôi ghi lại trong một dòng suy cảm sẻ chia.