Tonglen: Chìa khóa nhận biết sự kết nối

Bài thực hành này là: khi gặp việc không như ý hoặc điều làm cho bạn khổ, hãy thở nhẹ với nó. Hay nói cách khác, bạn đừng chống lại nó. Tự mình tác động mình, thừa nhận mình, và trân trọng mình. Rồi khi những tình cảm, cảm xúc không mong muốn xuất hiện, hãy thở nhẹ với chúng và liên hệ với những cảm nhận chung của loài người. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác đau khổ là gì, dù có thể chúng nằm dưới nhiều lớp vỏ khác nhau. 

Tonglen và không sợ hãi
Giáo lý nhà Phật, những lời dạy của Shambhala và bất cứ truyền thống nào dạy cho con người nếp sống tốt, đều dạy chúng ta luyện tập thái độ không sợ hãi. Nhưng luyện tập như thế nào? Chắc chắn ngồi thiền là một cách, bởi vì thông qua thiền, chúng ta sẽ biết được chính mình một cách đầy đủ và nhẹ nhàng. Thực hành Tonglen (tức cho-nhận) sẽ giúp chúng ta không còn cảm giác sợ hãi. Thực hành đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng nỗi sợ có quan hệ mật thiết với việc tìm cách bảo vệ tâm hồn mình, tức là, bạn cảm thấy có cái gì đó có khả năng làm tổn thương mình, và vì vậy bạn phải tự bảo vệ.
Sau khi thực hành tonglen lần đầu tiên, tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận thấy rằng hình như tôi ngồi thiền là để tránh cảm giác bị tổn thương, để tránh cảm giác buồn rầu, tránh cảm giác chán chường, hoặc để tránh cảm giác khó chịu nào đó. Tôi không hề biết, tôi đã âm thầm kỳ vọng rằng thực hành thiền sẽ giúp tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa. Khi thực hành tonglen, chúng ta muốn những đau đớn này cùng tham gia. Thực hành tonglen phải có lòng can đảm, và thật thú vị là tonglen đồng thời giúp ta can đảm hơn, bởi vì chúng ta để cho nó đâm thủng lớp áo giáp của mình. Chính việc tập luyện này giúp ta thấy mình giảm được gánh nặng, không còn gò bó. Cách thực hành này giúp ta tìm ra cách yêu thương vô điều kiện.

Tâm oán giận hay thái độ tiêu cực chỉ xuất hiện khi chúng ta cố gắng chốn bình yên của tâm bồ-đề. Thật ra, bởi vì chúng ta quá mong manh và rất dễ xúc động nên chúng ta mới tạo ra những lá chắn cho riêng mình. Chính vì chúng ta vốn mang trong mình một tâm hồn chứa đầy những nỗi buồn nên chúng ta mới tự bảo vệ mình. Thực hành tonglen, chúng ta sẽ nhận thấy mình luôn sẵn lòng giãi bày hết những điểm yếu nhất trong tâm hồn.

Tonglen: Chìa khóa nhận biết sự kết nối

Thông thường thì mọi người thuộc làu các bài học, nhưng đến khi thực hành tonglen thì họ lại thốt lên: “Ồ, pháp tonglen rất hay, nhưng tôi đã không nhận ra là nó thật sự lại có kết quả như vầy”. Thật ra, bản chất của bài thực hành này là: khi gặp việc không như ý hoặc điều làm cho bạn khổ, hãy thở nhẹ với nó. Hay nói cách khác, bạn đừng chống lại nó. Tự mình tác động mình, thừa nhận mình, và trân trọng mình. Rồi khi những tình cảm, cảm xúc không mong muốn xuất hiện, hãy thở nhẹ với chúng và liên hệ với những cảm nhận chung của loài người. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác đau khổ là gì, dù có thể chúng nằm dưới nhiều lớp vỏ khác nhau.

Bạn thở vào và cảm nhận rằng đau khổ là một trải nghiệm thực sự và của riêng mỗi người. Thế nhưng thật ra, bạn đồng thời đang tạo ra những mối quan hệ với cả nhân loại. Nếu cảm nhận được điều này ở trong chính con người mình, bạn cũng có thể cảm nhận được điều ấy nơi người khác. Nếu bạn đang đố kỵ với ai đó và bạn có dũng khí để thở hơi thở đó thay vì khiển trách người khác, thì mũi tên trong trái tim bạn sẽ cho bạn biết là có rất nhiều người trên thế giới này cũng có cảm nhận giống như bạn. Cách thực hành này không phân biệt văn hóa, tôn giáo, màu da, mức độ thông minh hay tình hình kinh tế. Ở mọi nơi, con người đều cảm nhận nỗi đau, như đố kỵ, tức giận, bị bỏ rơi, hay cô đơn. Mọi người cũng cảm nhận được những nỗi đau này giống như bạn vậy. Dù câu chuyện của mỗi người mỗi khác, nhưng những cảm giác của mọi người thì đều giống nhau.

Và giống như vậy, nếu bạn thấy yêu đời, hay nói cách khác là bạn đang kết nối với những cảm giác hứng khởi, cởi mở, khuây khỏa, thư giãn, thì bạn hãy thở ra, hãy để những cảm giác này đi ra cùng hơi thở của bạn, gửi nó đến những người khác. Và tất nhiên niềm vui là riêng của mỗi người. Nó bắt đầu với cảm giác yêu đời của bạn, cảm giác kết nối với mọi vật của bạn, cảm giác khuây khỏa hay thư giãn của bạn. Nếu bạn dừng câu chuyện (nối kết các cảm nhận thành cái "tôi" - ND) lại, bạn sẽ cảm nhận giống như những người khác cảm nhận. Tất cả chúng ta đều chia sẻ cảm giác này. Với cách đó, nếu chúng ta tự tập luyện thường xuyên, bài tập sẽ giúp ta cảm nhận được mối quan hệ với mọi người quanh ta.

Bốn giai đoạn của Tonglen

Bạn có thể chính thức thực hành tonglen trong một buổi thực hành ngồi thiền. Ví dụ, nếu bạn ngồi trong vòng một tiếng đồng hồ, bạn có thể thực hành tonglen trong 20 phút giữa. Thực hành tonglen gồm bốn bước:

1. Thư giãn đầu óc trong vài giây, để đầu óc thoáng đãng hoặc tĩnh lặng. Đây được gọi là thời điểm loé sáng của tâm bồ-đề tuyệt đối, hoặc là sự đột nhiên tiếp cận với sự rộng mở và trong sáng của tâm giác ngộ.

2. Thực hành theo đúng quy tắc. Hãy hít vào và cảm nhận sự ngột ngạt của nóng, tối và nặng nề. Hãy thở ra và cảm nhận sự sảng khoái của mát lạnh, sáng và nhẹ nhàng. Hít vào đến từng tế bào trong cơ thể và thở ra cũng vậy. Hãy thực hành như vậy cho đến khi bạn cảm thấy những điều bạn hình dung hoà hợp với hơi thở ra vô của mình.

3. Cảm nhận nỗi đau của mình là thật. Chẳng hạn như, bạn có thể hít vào những cảm giác ngột ngạt của nỗi buồn như nóng, tối mà bạn cảm nhận được, và thở ra cảm giác tươi sáng, mát mẻ của niềm vui, của không gian hay của bất kỳ điều gì mà bạn cho là êm dịu.

4. Mở rộng lòng bi mẫn bằng cách kết nối với tất cả những người có cùng nỗi khổ niềm đau, và mong muốn giúp mọi người bớt khổ.

PEMA CHODRON
THUỶ DUNG dịch