Thực hành tâm xả

Thông qua thực hành tâm từ, tâm bi, và tâm hỷ, chúng ta dần dần mở rộng nếp nghĩ của mình, và mở lòng mình hơn. Chúng ta nên thực hành tâm xả để không còn phân biệt và thiên vị. Nếu không có tâm vô lượng thứ tư này thì ba tâm kia sẽ bị giới hạn bởi thói quen yêu và ghét, chấp nhận và phản đối.
Tu tập tâm xả là tập tâm cởi mở hoàn toàn, đón nhận tất cả mọi người, mời sự sống đi qua. Tất nhiên, cũng có khi khách đến nhà, chúng ta cảm thấy lo sợ và ác cảm với họ. Thật vậy, chúng ta chỉ mở lòng một cách hạn hẹp và nghĩ rằng đó là mình đã trải lòng hết mức rồi, và khi cần ta sẽ sẵn sàng khép lòng lại. Tu tập tâm xả là một quá trình lâu dài. Chúng ta luôn mong mỏi mở lòng từ bi trong suốt cuộc đời mình, điều này đòi hỏi ta phải biết chấp nhận mọi việc - bệnh tật, khỏe mạnh, sang - hèn, vui - buồn. Chúng ta phải sẵn sàng đón nhận và trải nghiệm tất cả. Tâm xả rộng lớn hơn những quan điểm giới hạn thông thường. Đó là tâm rộng lớn không bó buộc thực tại trong giới hạn thuận hay nghịch, yêu hay ghét. Để đạt được tâm xả, chúng ta cần luyện tập bằng cách thực hành ba bước: “Xin cho tôi được an trú trong tâm xả vô lượng, không si mê, sân hận hay định kiến”. “Mong cho bạn luôn an trú trong tâm xả vô lượng, không si mê, sân hận hay định kiến”. “Cầu cho tất cả mọi loài luôn an trú trong tâm xả vô lượng, không si mê, sân hận hay định kiến”. Hoặc dùng chính ngôn ngữ của mình khi thực tập cũng được. Thực hành tâm xả cũng có thể thực hiện qua bảy bước (xem mục 35). Hãy tập thiền định trước và sau khi tu tập tâm xả này.

PEMA CHODRON

THUỶ DUNG DỊCH