Thực hành lòng bi mẫn

Chúng ta nuôi dưỡng lòng bi mẫn để tâm mình trở nên thanh tịnh hơn và cũng để trở nên chân thật hơn với bản thân, biết cách bao dung hơn về việc khi nào khép lòng lại. Không cần phải khắc khe hay biện minh cho mình, chúng ta can đảm đối mặt với đau khổ. Đây có thể là đau khổ nảy sinh do ta dựng lên các rào cản, hoặc là đau khổ khi ta mở lòng tiếp xúc với nỗi đau của chính mình hay của người khác. Chúng ta đã học được rất nhiều từ những thất bại cũng như từ những thành công của mình. Thông qua việc nuôi dưỡng lòng bi mẫn, chúng ta qui hợp toàn bộ trải nghiệm của mình – từ khổ đau và cảm thông đến tàn bạo và khủng bố. Phải thực hành như vậy. Lòng bi mẫn không phải là một mối quan hệ giữa người chữa lành và những người bị thương. Đó là một mối quan hệ giữa những giá trị cân bằng. Chỉ khi chúng ta biết miền tối của chúng ta, chúng ta mới có thể có mặt với bóng tối của người khác. Lòng bi mẫn trở thành thực tế khi chúng ta nhận ra bản tính chung của nhân loại.
Cũng như trong tất cả các cách thực hành bốn tâm vô lượng, chúng ta nên bắt đầu thực hành tâm bi từ chỗ chúng ta đang có và sau đó mở rộng khả năng của mình. Chúng ta bắt đầu bằng cách định vị khả năng thực có của mình trước bể khổ của cuộc đời. Chúng ta có thể liệt kê những người mà chúng ta có thể hướng tâm khởi lòng bi mẫn. Người đó có thể là anh em, con cháu, bạn bè của chúng ta đang sợ chết, cũng như những người chúng ta chỉ biết qua sách vở hoặc báo chí. Cốt yếu là để tiếp xúc được lòng bi mẫn chân thật, bất kể là lòng bi mẫn đó khởi nguồn từ đâu. Sau đó, chúng ta có thể thực hiện theo các công thức ba bước: "Cầu cho tôi được giải thoát khỏi khổ đau. Cầu cho bạn được giải thoát khỏi khổ đau. Cầu cho tất cả chúng ta được giải thoát khổ đau". Chúng ta cũng có thể thực tập theo quá trình bảy bước chính thức được trình bày trong mục 35, bằng cách sử dụng lời dẫn "Cầu cho tôi được giải thoát khỏi đau khổ và nguồn gốc của đau khổ”, hoặc dùng lời của mình. Giống như tất cả các cách luyện tập bồ-đề tâm, tốt nhất là thực tập tâm bi trong thời ngồi thiền.

PEMA CHODRON

THUỶ DUNG DỊCH