Nuôi dưỡng tâm
từ của mình là một cách làm thức tỉnh tâm bồ-đề, thì nuôi dưỡng tâm
bi cũng là một cách thức tỉnh tâm bồ-đề. Tuy nhiên, tâm bi mang tính
thách thức cảm xúc hơn tâm từ vì nó đòi hỏi thái độ sẵn sàng đón nhận đau khổ.
Người thực hành
cần luyện tập như một người dấn thân thật sự.
Để đánh thức lòng bi mẫn,
đạo sư Patrul Rinpoche ở thế kỷ XIX dạy chúng ta hãy quán tưởng
chúng sinh đang trong vòng đau khổ - một con vật đang bị giết thịt, một con người
đang chờ hành quyết. Để gần gũi hơn, theo Patrul Rinpoche, ta nên đặt mình vào
hoàn cảnh của họ. Đặc biệt đau đớn là hình ảnh của một người mẹ cụt tay trông
thấy con mình bị dòng sông hung dữ cuốn đi. Để cảm nhận được sự đau khổ của người
khác một cách hoàn toàn và trực tiếp thì bạn phải thực sự đau đớn như khi đang ở
trong hoàn cảnh của người đó. Đối với phần lớn chúng ta, ngay cả việc suy nghĩ
về một điều gì đó thôi cũng đủ mang lại sợ hãi. Khi ta thực tập về lòng bi mẫn,
ta có thể sẵn sàng trải nghiệm nỗi sợ đau khổ của chính mình.
Thực hành tâm
bi là một thử thách. Nó đòi hỏi chúng ta phải biết cách thư giãn và cho phép ta
nhẹ nhàng tiếp cận với những điều khiến ta sợ hãi. Bí quyết để làm điều này là
sống chung với niềm đau chứ không sanh tâm ghét bỏ: để cho nỗi sợ hãi làm dịu
ta xuống hơn là chống lại chúng.
Ta có thể thấy
khó khăn ngay cả trong việc suy nghĩ về chúng sinh đang đau khổ, chứ chưa nói đến
việc nhân danh họ mà hành động. Nhận ra được điều này, chúng ta bắt đầu một
cách thực hành tương đối dễ. Chúng ta vận tâm dõng mãnh bằng cách nhiếp tâm chú
nguyện. Chúng ta nhiếp tâm cầu nguyện cho mọi loài chúng sinh, gồm có chúng ta
và những chúng sinh ta không thích, được giải thoát khỏi sự khổ đau và nguồn gốc
của đau khổ.