1) Như vầy tôi
nghe.
Một thời Thế Tôn
trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
2) Tại đấy, Thế
Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:
– Có hai cực đoan
này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là
hai?
3) Một là đắm say
trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không
liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh,
không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con
đường Trung đạo do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an
tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
4) Và thế nào là
con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác
thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường
Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường
trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành
trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
5) Đây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là
khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly
là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
6) Đây là Thánh
đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với
hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
7) Đây là Thánh
đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn
khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.
8) Đây là Thánh
đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường Thánh đạo
Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định.
9) Đây là Thánh
đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe,
nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Đây là Thánh đế về Khổ
cần phải liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng
nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Đây là Thánh đế về
Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được
nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
10) Đây là Thánh
đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Đây là Thánh đế
về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh.
Đây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các
pháp... quang sanh.
11) Đây là Thánh
đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Đây là Thánh
đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang
sanh. Đây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với
các pháp... quang sanh.
12) Đây là Thánh
đế về Con Đường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang
sanh. Đây là Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các
Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Đây là Thánh đế về Con Đường đưa đến
Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa
từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
13) Cho đến khi
nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành
tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các
Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên
giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng
tri đã chánh giác vô thượng Chánh Đẳng Giác.
14) Và cho đến
khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba chuyển và mười hai
hánh tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến
khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên
giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng
tri đã chánh giác vô thượng Chánh Đẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất
động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái
sanh nữa”.
15) Thế Tôn
thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Trong
khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Kondanna khởi lên pháp nhãn thanh tịnh,
không cấu uế như sau: “Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn
diệt”.
16) Và khi Pháp
luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư Thiên cõi đất này lớn tiếng nói
lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa
xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận,
Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời”.
17) Sau khi được
nghe tiếng chư Thiên ở cõi đất, Tứ đại Thiên vương thiên lên tiếng nói lên:
“Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại
Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn,
Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời”.
18) Sau khi được
nghe tiếng của chư Thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời chư Thiên ở cõi trời
Ba mươi ba... chư Thiên Yàmà... chư Thiên Tusità... chư Hóa lạc thiên... chư
Tha hóa tự tại thiên... chư Thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: “Nay vô
thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn
Nai, chuyển vận... bất cứ một ai ở đời”.
19) Như vậy,
trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến
Phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động
mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực
chư Thiên.
20) Rồi Thế Tôn
thốt lên lời cảm hứng sau đây: “Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna
(Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna!”
Như vậy Tôn giả
Kondanna được tên là Annàta Kondanna (A-nhã Kiều-trần-như).
(Kinh Tương Ưng, Tập V: Đại Phẩm, Chương XII: Tương Ưng Sự Thật, tr. 610-616.)
HT. Thích Minh Châu dịch