Cuối tuần vừa rồi, ngày 25/4/2014, một thân hữu Thiền Quang có
chia sẻ mấy dòng thơ để bày tỏ “lòng
tham” của mình. Thấy bài thơ hay, chúng tôi định giới thiệu để các bạn cùng đọc.
Chưa kịp giới thiệu, thì hôm nay, tình cờ khi đọc kinh chúng tôi gặp lại đoạn tự kể của đức Phật về nhân duyên trước
khi ngài chứng đạo và giác ngộ hoàn toàn. Mặc dù người nói kinh và người làm
thơ chắc hẳn là khác xa nhau, ý kinh và ý thơ như có gì đó liên đới, tưởng như lời
thơ diễn lại ý kinh bằng một ngôn ngữ êm dịu để dễ đi vào lòng người. Đó là bài
Kinh Thánh Cầu trong Trung Bộ Kinh và bài thơ Bày Tỏ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Trong dịp hướng đến ngày Đại lễ Phật đản, chúng tôi xin trích giới thiệu cùng các bạn một đoạn trong kinh và bài thơ ở
đây, và cũng để nhớ và tặng hai em, một vừa đến, một ra đi.
------------
...
Như vậy này các Tỷ-kheo, Alara Kalama là Đạo Sư của Ta, lại
đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối
thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly,
không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh,
không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn,
mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ”. Như vậy này các Tỷ-kheo, Ta không
tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.
...
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Uddaka Ramaputta-là Đạo Sư của Ta,
lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng
tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly,
không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh,
không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn,
mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Như vậy, này các Tỷ-kheo,
Ta không tôn kính pháp ấy và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi. (Nguồn: Kinh Trung Bộ,
Kinh số 26, Kinh Thánh Cầu).
----------
Bày tỏ
Mai hết cuộc,
Tôi xin về núi cũ
Giã từ ngày áo đỏ đèn xanh
Chẳng phải tôi nhớ nguồn nhớ tổ
Mà bởi tôi chưa dung nổi thị thành
Tôi đã ra đi
bằng bài thơ thứ nhất
thuở đầu đời môi rượu lả đường say
Tôi đã ra đi
tự khối tình chân thật
Yêu trần gian mà chưa dám cầm tay!
Chí tôi mọn không hơn loài rêu biển
Thân tôi mềm
không kham nổi gió sương
Mà hiểu biết cũng như loài ong kiến
thì nói chi
nhập cuộc với lên đường
Cơm với áo – dễ sinh mầm sâu bọ
Cưu mang chi
cho hèn liệt một đời
là dã hạc tự cõi nguồn Đông độ
vốn vô tranh cả giọng nói tiếng cười
Cảm ơn nhé! một đời gió nổi
Cuốn phăng tôi đến một chốn bên trời
Thế gian nhé!
một lần xin sám tội
Quỳ nơi đây mà ôm siết con người!
Dẫu bây giờ mai có về núi cũ
Tôi chẳng dám ví mình
là sư tử rừng xanh
Tôi sẽ sống một đời bình dị
Hơn chi ai mà phất áo thị thành
Những bằng hữu lên đường
Những người em ở lại
Tôi xin chấp tay im lặng, cuối đầu
Không nói được dẫu một lời vụng dại
Trong hồn tôi
sương phủ mấy nhịp cầu
Tôi chẳng biết nơi nao là quán trọ
Kiếp vốn tha hương,
cố quận bao giờ?
Nếu còn thở,
tôi vẫn còn bày tỏ
yêu cuộc đời với nguyên vẹn tình thơ!
Các anh em tôi
mà tình Thầy nghĩa Đệ
có nhớ nhau xin cạn một chung trà
Đời còn đẹp
khi ta còn giọt lệ
đời khổ đau nên sinh-tử-tình-ca!
Tôi yêu con chim cổ còn rướm máu
Đến trần gian
phụng hiến cả tâm hồn
Đã một thời tôi trao người kiếm báu
Còn giờ đây,
khí lực đã hao mòn!
Tôi bỏ cuộc? Ừ, thì tôi bỏ cuộc!
Tôi ra đi? Ừ, thì tôi ra đi!
Ai bỏ cuộc và ai không bỏ cuộc
Nhìn trên đầu,
mây trắng giục đường phi!
Từ giã nhé! Mấy năm không hẹn được
Kẻ đông châu, người tây thổ mù khơi
Còn luân hồi
thì ta còn gặp gỡ
Còn ra đi, còn trở lại bên người!
Còn ra đi,
nghĩa là còn điên dại
Còn nửa khuya thả mộng mấy sông hồ
Còn yêu người,
nghĩa là còn quằn quại
còn đỉnh cao tóc rủ một trời thơ!
Thôi nhé người,
mai tôi về núi cũ
Để biết mình muôn thuở vẫn còn đi
Để biết mình
không là gì cả!
Xin một đời rêu cỏ an tri!
(Thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh)