Trong 2 nhân chứng, chỉ giữ nhân chứng chính

Vấn đề mấu chốt trong thực hành tâm bồ-đề và tất cả những bài thực hành khác nằm ở chỗ bạn là người duy nhất biết cái gì đang mở và cái gì đang đóng. Chỉ có bạn biết thôi. Một loại nhân chứng là mọi người, họ quan sát và góp ý với bạn. Bạn nên lắng nghe, có thể phần nào đó trong những lời góp ý là đúng. Tuy nhiên, nhân chứng chính là chính bạn. Bạn là người duy nhất biết rõ khi nào mình cởi mở, khi nào mình khép kín. Bạn là người duy nhất biết rõ khi nào mình tự tìm cách bảo vệ mình, khi nào thì đang giữ cái tôi bên trong, khi nào thì để mặc mọi thứ tan vỡ, khi nào thì để thế giới này là chính nó – thuận xử thế giới hơn là chống lại nó. Chỉ có bạn mới biết.

Lời cảm hứng của đức Phật: Giác ngộ (3)

Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Đẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi Kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày, ra khỏi định ấy, trong đêm canh cuối cùng, khéo thuận chiều và nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh có các hành. Duyên các hành có thức... Duyên sanh, có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là tập khởi của khổ uẩn này. Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt, nên thức diệt... Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".

Sống bình an để thiết lập bình an

Các hoạt động phục vụ cho hoà bình và công bằng xã hội luôn gắn liền với sự bình an từ nội tâm của con người. Theo quan điểm Phật giáo, muốn đóng góp cho hoà bình, trước tiền mỗi người cần phải sống an bình và hoà hợp trong gia đình cũng như trong cộng động của mình.

Đứng giữa

Tính cởi mở không đến từ việc chống lại nỗi sợ, mà có được là nhờ vào việc tìm hiểu những nỗi sợ đó ra sao. Chúng ta không thể tìm thấy được lòng can đảm của mình nếu ta không tìm hiểu bản ngã hoạt động ra sao. Chúng ta tự hỏi mình: “Nếu tôi không thể kiểm soát được những chuyện đang diễn ra thì sao? Tôi kể chuyện gì đây? Điều gì làm tôi ghét và điều gì làm tôi thích? Tôi tìm sức mạnh ở đâu và tôi đặt niềm tin vào đâu?”.

Lời cảm hứng của đức Phật: Giác Ngộ (2)

Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Đẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết-già thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh giữa, khéo nghịch chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt, nên thức diêt; do thức diệt, nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do Thọ diệt, nên ái diệt; do ái diệt, nên hữu diệt; Do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".

Tương lai chưa... đau

Lối sống tiêu thụ thiếu cân nhắc đặt nền tảng trên quan niệm cho rằng mọi thứ điều là công cụ để sử dụng và môi trường là một dạng sản phẩm. Thái độ này nuôi dưỡng tính ích kỷ, thói xem thường và tạo ra đau khổ. Ngược lại, theo Phật giáo, tất cả chúng sanh đều có bản tính tỉnh giác, vũ trụ nơi chúng ta đang sống là một thế giới tỉnh giác với một nền văn hóa hài hòa và biết đủ.
Con người chỉ thường cân nhắc đến sự thay đổi cuộc sống của mình khi hoàn cảnh bắt buộc, chứ họ không thay đổi dựa trên sự suy lý và tấm lòng vị tha. Trước hiện trạng thay đổi khí hậu hiện nay, một khi những hiện tượng nguy hại đã diễn ra, con người sẽ có động cơ để thay đổi, nhưng khi đó đã muộn rồi.
Giác Kiến dịch


--------
The Future Doesn’t Hurt…Yet
Unchecked consumerism operates on the premise that others are only instruments to be used and that the environment is a commodity. This attitude fosters unhappiness, selfishness, and contempt. On the other hand, the Buddhist view that all sentient beings are endowed with buddha nature, and the universe in which they live is a buddha-field, shapes a culture of harmony and contentment.
People usually only consider changing their way of living when they are forced to do so by circumstances, not by rational and altruistic thinking. But in the case of climate change, once the dramatic events have occurred, and people become motivated to change things, it will be too late.
Matthieu Ricard
Nguồn: Chưa rõ, nhặt lại trong máy cũ.

Về những lời cảm hứng của đức Phật: Giác ngộ (1)

TQ: Trong tuần vừa qua, Thiện Đức có giới thiệu một bài kinh Phật Tự Thuyết trên trang TQ. Đó là việc làm ngẫu nhiên tùy thích của Thiện Đức khi bạn được yêu cầu giới thiệu các kinh căn bản làm nền tảng cho việc học pháp tu thiền cho thân hữu Thiền Quang. Vì chưa rành cả về kinh điển và về kỹ năng làm mạng thông tin điện tử nên cách giới thiệu chưa được vừa ý.
Hôm nay, chúng tôi đọc và thấy việc giới thiệu kinh Phật Tự Thuyết đồng thời với các kinh căn bản như kinh Nhập tức xuất tức niệm là việc có ích. Đơn giản là vì trong khi những bài kinh căn bản làm nền tảng cho việc học pháp tu thiền trích từ Kinh Trung bộ khá dài và khó đọc, các bài kinh trích từ Kinh Phật Tự Thuyết rất ngắn và dễ đọc. Đọc Kinh Phật Tự Thuyết có thể giúp chúng ta dễ hiểu nội dung các bài kinh dài và khó đọc kia hơn. Nhất là đối với người bắt đầu học pháp tu thiền, (đặc biệt là với người bắt đầu tu thiền mà không chịu học pháp! :p). Đặc biệt hơn là, ngay cả với một số bài kinh ngắn trong Kinh Phật Tự Thuyết, nếu đọc bản dịch tiếng Việt không thôi, hiểu được nội dung là việc khó. Nếu các bạn đọc được bản dịch tiếng Anh, các bạn sẽ thấy, việc lĩnh hội nội dung kinh sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Ví dụ, với trong bài kinh đầu tiên có đoạn kệ, bản dịch tiếng Việt là:
Thật sự, khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Đối vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì quản tri hoàn toàn,
Pháp cùng với các nhân.
(Hòa thượng Minh Châu dịch)

và bản dịch tiếng Anh là:
As phenomena grow clear
to the brahman — ardent, in jhāna —
his doubts all vanish
when he discerns
a phenomenon with its cause.
(Thiền sư Thanissaro dịch)
còn đây là một bản dịch tiếng Anh khác:
When things become manifest
To the ardent meditating brahman,
All his doubts then vanish since he understands
Each thing along with its cause.
(John D. Ireland dịch)
Rõ ràng nội dung không có gì khác lắm trong các bản dịch, nhưng nếu người đọc chưa quen với cách diễn kệ trong văn học Phật giáo, đồng thời cũng chưa học pháp Phật bao giờ, thì cách ngắt câu, cách đặt dấu “,” có thể làm cho chúng ta khó nắm bắt nội dung đoạn kệ. Khi chúng ta đọc bản dịch tiếng Anh, chúng ta sẽ hiểu đơn giản là: Khi sự vật hiện tượng biểu hiện rõ ràng trước người tu tập thiền định thì tất cả nghi hoặc của người ấy không còn nữa, bởi vì người ấy đã hiểu rõ mọi sự vật hiện tượng và nguyên nhân của sự vật hiện tượng đó. Nói gọn là hiểu sâu nhân quả kể như đã ngộ.  

Sự thật của cuộc sống: Vô ngã

Một đặc tính nữa của sự tồn tại là vô ngã, là không có bản ngã. Những từ ngữ này có thể gây hiểu lầm. Khái niệm này không có nghĩa là chúng ta biến mất - hoặc là chúng ta xoá sạch con người của mình. Vô ngã nghĩa là: quan niệm cố hữu cho rằng mình là một thực thể không thay đổi và tách biệt nhau là một quan niệm hạn hẹp đến đau lòng. Chúng ta thừa nhận bản ngã của mình, chúng ta quan trọng hoá bản ngã của mình trong tâm trí, như vậy là có vấn đề. Xem trọng bản thân sẽ giống như chúng ta đang ngồi tù, nó giới hạn những thứ ta thích hay không thích. Kết cục là ta buồn đến chết với mình và thế giới. Kết cục là chúng ta rất chán nản.

Thế nào là thái độ đúng khi hành thiền?

Xin bạn hãy kiểm tra lại thái độ của mình khi bắt đầu hành thiền. Bạn đang hành thiền với thái độ hay quan kiến đằng sau tâm như thế nào?  Bạn chỉ muốn một trạng thái tâm bình an hay muốn học hiểu những gì đang diễn ra? Tâm không thể mát lạnh và tĩnh lặng khi bạn muốn có một kinh nghiệm nào đó ngoài những gì đang thực sự diễn ra trong hiện tại.

Tâm tĩnh lặng với định khi nó không còn chạy theo hay tìm kiếm những kinh nghiệm nhất định nào đó.

Không cần thiết phải chạy quanh cố ép tâm mình phải hay biết một cái gì đó bởi vì tâm vẫn luôn hay biết. Bản chất của tâm là hay biết những đề mục đang diễn ra. Hãy kiểm tra lại tâm mình. Không cần phải tạo nên một cái gì cả. Bạn chỉ cần quan sát những đề mục và những kinh nghiệm đang diễn ra, đúng theo bản chất pháp của nó. Hãy chờ đợi và quan sát với trí thông minh. 

Không có gì chắc thật cả


Trốn tránh những trải nghiệm, chối bỏ giây phút hiện tại với tất cả những thói quen và chiến lược chỉ làm cho con người thêm mệt mỏi, chán chường và buồn bã. Cụ thể hóa mọi thứ, làm như thể mọi thứ đều chắc thật chỉ mang lại sự thoải mái tức thời.

Biến mũi tên thành bông hoa

Trong đêm Đức Phật gần đạt giác ngộ, Ngài ngồi dưới một gốc cây. Ngài ngồi đó, những lực lượng ác ma không ngừng bắn tên vào Ngài với mục đích làm cho Ngài phân tâm và không thể đạt giác ngộ; nhưng với tỉnh giác, Ngài đã biến những mũi tên kia thành những bông hoa.

Mọi hoạt động cần được thực hiện bằng MỘT ý định

Hít vào, thở ra, thấy khó chịu, thấy vui vẻ, dừng lại, không thể dừng, ăn, đánh răng, đi dạo, ngồi – mọi thứ ta làm chỉ nên xuất phát từ một ý định. Ý định đó là ta muốn thức dậy, ta muốn lòng trắc ẩn của mình được chín muồi, ta muốn mình đã có đầy đủ khả năng để buông xả, chúng ta muốn mình nhận ra mối quan hệ với vạn loài. Mọi thứ trong cuộc sống luôn có khả năng đánh thức ta dậy hoặc ru ta ngủ. Và có để cho nó đánh thức ta dậy hay không là tùy vào bạn. 
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch

Thênh thang trên xứ non cao (Thấy Phật)


Nguồn: Trích Thấy Phật của Cao Huy Thuần, 2013, tr. 111-122
Tôi sắp kể một chuyện phim, nhưng chưa kịp kể thì trong đầu vụt nhớ đến một chuyện khôi hài: một anh chồng nộp đơn xin ly dị vợ vì anh mê đọc truyện trinh thám mà chị thì cứ chờ anh mua sách về là lén xé ngay trang cuối khiến anh chẳng hề biết thủ phạm là ai. Tôi rất tán thành anh chồng vì không có cái tức nào hơn tức này, nhưng lại tủm tỉm nghĩ đến chị vợ: chị cần gì phải xé sách, cứ viết tên thủ phạm lên ngay trang nhất, thế chẳng đủ để ông tòa xử ly dị rồi sao ?
Giữa người kể chuyện phim và người có thể xem phim, mối liên hệ đạo lý cũng từa tựa như thế : kể hết ngọn ngành tình tiết ra từ đầu đến cuối nào có khác gì viết tên thủ phạm lên đầu trang sách ? Phải để cho người đọc cái thú xem phim chứ ! Cho nên tôi tự hứa với lòng giữ trọn tình nghĩa vợ chồng son sắt, nhất quyết không ly dị với ai cả.
Đó cũng là lý do khiến tôi không bắt đầu ở chỗ bắt đầu mà bắt đầu ở đoạn giữa của phim, với một câu nói bâng quơ, chắc không mấy ai để ý, thốt ra từ miệng xinh đẹp của một cô gái Bhutan xinh đẹp. Cô nói về nước Mỹ với anh thanh niên Bhutan đang nuôi mộng đến Mỹ quốc, không phải để trách cứ gì, mà chỉ vì cô thương nước cô : "hình như nhiều người ở nước ấy không biết đến cả tên của nước Bhutan !" Nước Bhutan của cô mà người ta không biết thì quả là bất hạnh. Bất hạnh hơn cả trẻ thơ chưa bao giờ nghe đến chuyện cổ tích thần tiên ! Cô gái không thể tưởng tượng được có một anh thanh niên Bhutan dứt bỏ thiên nhiên tuyệt đẹp, núi non hùng vĩ, thôn xóm xinh xắn trải quanh triền núi Hy Mã Lạp Sơn này, để đi sinh sống nơi khác, mà nơi khác đó chẳng biết đến cả sự có mặt của cái xứ hiền hòa, an vui độc nhất trên trái đất này !
Cô và anh thanh niên là hai người lữ hành trong phim, một người thì muốn đi rất xa, đến một cõi mộng, một người thì chỉ biết hồn nhiên ở lại với núi non của mình, quê hương thực, không gì chia cắt được. Cùng với cô gái, ba người lữ hành nữa cũng đi, đi giữa mây núi Hy Mã, để thấy linh hồn của mình nhập một với mây ấy, núi ấy. "Khách lữ hành và nhà ảo thuật" là một cuốn phim của Bhutan kể chuyện đi và chuyện ở, chuyện mộng và chuyện thực, chuyện thèm khát và chuyện an vui, chuyện đuổi bướm viễn vông trang ảo giác và chuyện thiên thu nắm được trong bàn tay. Một chuyện thần tiên chập chờn giữa mơ ước huyễn và hạnh phúc thật kể trong khung cảnh bao la, tĩnh lặng của một con đường đèo cheo leo bò quanh triền núi chờ một tiếng xe suốt ngày chưa thấy bóng dáng.
Chờ xe giữa núi và mây là dịp khiến những người bộ hành đó gặp nhau. Người thứ nhất là anh thanh niên đã nói. Anh chán tỉnh lẻ, lên thủ đô tìm cách đi Mỹ vì nghe nói lương ở bên đó nửa ngày bằng lương của anh ở bên này một tháng. Hành lý mà anh không rời được trong lúc đợi xe là chiếc máy thu thanh và hàng chục băng nhạc rộn ràng của xứ ấy. Anh vừa trễ chuyến xe hàng duy nhất trong ngày, vì, chán quá, người nông dân Bhutan sao mà niềm nở thế, nghe anh đi, người thì mời bánh, người thì đùm bọc lương khô, người chào, người hỏi, phí mất thì giờ ! Người thứ hai đến đợi xe sau anh là ông già bán táo ; ông mang táo trong vườn ra thị trấn gần đấy bán. Ông trố mắt nhìn anh thanh niên tay chân bồn chồn như phỏng lửa. Xe chạy qua rồi ? Thì gối đầu lên bao tải, lim dim mắt ! Việc gì phải đi tới đi lui, hút thuốc liên hồi ! Kìa, có người thứ ba đang nhanh nhẩu đi đến : một ông sư trẻ. Ồ, ông sư trẻ xứ Bhutan ! Giá như ông sư trẻ ở đâu cũng giống ông này thì cuộc đời hạnh phúc quá ! Ông hóm hỉnh, làm gì, nói gì cũng tự nhiên mà có duyên. Tuồng như ông có chất tếu trong người, tếu mà đạo vị ! Gần ông, chắc ai có chuyện bực mình cũng hết bực, vì ông vui tính, linh hoạt, hồn nhiên như trẻ thơ kể cả khi ông thốt ra vài câu của người lớn. "Đi đâu ?", ông hỏi người thanh niên. "Đi xa ? Xa là đâu ? Đến xứ trong mộng ? Ấy ấy, Phật đã nói rồi, mơ mộng hão huyền sẽ đưa đến đau khổ đấy !" Hành lý của ông chỉ một tay nải và một cây đàn tỳ. Ông nhìn anh thanh niên hục hặc với con đường đèo vắng tiếng xe, cười cười dụ dỗ : "Chú ơi, chú càng hút thuốc xe càng vắng đấy, đến ngồi đây, tôi gảy đàn kể chuyện cho chú nghe. Chú đi đến xứ trong mộng phải không ? Thì tôi cũng sẽ kể chuyện xứ trong mộng cho chú nghe ... hì hì, ai cũng có xứ trong mộng cả đấy !"
Ông dạo đàn. Đêm dần xuống. Một ngày vừa qua. Bên ánh lửa thắp lên ven đường, cạnh núi, ông sư kể :
"Có một nhà ảo thuật mở lớp dạy phép lạ cho người hiếu kỳ. Này, ngắt lá này sắc lên với lá này, uống nước vào các chú sẽ thấy người lâng lâng như bay bổng trong mộng. Này, ngắt lá này sắc thêm với lá này nữa, uống vào, chết người đấy ! Một chàng trai lơ đãng ngồi nghe bài học, vì thật ra chú chẳng thích thú gì với chuyện lá cây : trai mới lớn, chú chỉ mơ đến miền nào có nhiều gái đẹp. Gái đẹp ? Nào khó gì ? Lá cây chỉ thổi một hơi là đưa chú đến ngay !"
Tiếng đàn của ông sư ru mọi người vào giấc ngủ. Ngày sáng lên. Thấy chưa, mới đàn một khúc, đêm đã qua rồi ! Trông kìa, lại có ai đi tới. Một người, hai người. Ông cha và cô con gái đẹp. Núi non ơi, sao lại có người đẹp như vậy giữa núi non này ! Chắc chỉ có thiên nhiên trong vắt của Bhutan mới sinh ra được một người đẹp trong vắt như thế ! Ấy là cô thiếu nữ đã nói lúc đầu. Cô cùng đi với cha từ làng lên thủ đô để bán giấy dó làm bằng rơm. Hay   thế, chàng thanh niên chẳng hề để ý đến ai bây giờ cũng biết giúp người đẹp leo lên xe khi xe đến. Câu chuyện của ông sư, chàng nghe với nửa vành tai, bây giờ có cô gái cùng nghe, hình như chàng cũng chăm chú. Cô gái thùy mị, ít nói, nghe chuyện đôi lúc hé miệng cười, cả mắt lẫn miệng đều xinh. Ông sư kể tiếp : chuyện đến đâu rồi nhỉ, à lá cây ...
"Lá cây biến thành ngựa với anh chàng trai trên lưng, phi như bay, như tên bay, không cưỡng được. Đã gọi là đến xứ mộng, đến miền gái đẹp, thì làm sao mà cưỡng được, ai cưỡng nổi ? Ngựa phi vào rừng sâu dày đặc, đêm tối âm u, sấm sét xé trời, chắc chỉ có dục vọng của con người mới sánh nổi thịnh nộ của trời đất. Cuối cùng, ngựa tung chàng trai xuống đất, nhưng may quá, trước mắt có ánh sáng leo lét của một căn nhà. Chàng gõ cửa, xin tá túc qua đêm. Người mở cửa là một ông già râu tóc lởm chởm. Băng bó vết thương, ngủ vùi đến sáng, thức dậy, chàng trai thấy ông già không phải ở một mình mà có thêm một cô vợ trẻ. Một cô vợ trẻ và đẹp !"
Xe leo dốc không nổi, đứng máy. Đoàn người lại ngồi chờ ven đường, chờ bác tài sửa xe. Anh thanh niên lân la hỏi chuyện cô gái :"Cô ở đây không buồn à ?" "Không." "Nghe cha cô nói cô thi hỏng, phải về đây." Cô gái cười :"Tôi có một bí mật, không nói với ai." Nhưng rồi cô nói, như tuồng anh thanh niên đã trở thành người quen : "Tôi thi đậu vào đại học, nhưng tôi nói dối cha tôi, để về đây ở với cha, vì mẹ tôi vừa mất, tôi không muốn ông cô quạnh."Cô gái ăn nói bình thản, chuyện đậu hỏng dường như không làm cô bận tâm. Tối hôm qua, anh thanh niên nhìn cô nhen củi lửa nấu ăn ven đường : tay cô ấm áp, như từ đó sáng lên bếp lửa. Suốt hành trình, hình như cô chỉ nhíu mày một lần : đó là lúc cô bảo anh thanh niên đừng hút thuốc nữa, hút thuốc có hại. Mà lạ thật, cô nói chưa hết câu, anh thanh niên đã dụi tắt thuốc rồi. Anh này có muốn ngồi gần ai đâu, nhưng làm sao có thể ngồi xa bếp lửa được ! Dường như anh đã bắt đầu cảm thấy giờ hẹn ở thủ đô bớt tính cách quyết liệt, dường như hành trình trên con đường núi vắng teo này không thiên thu bất tận như hôm qua. Không biết trong lòng anh, anh có nghĩ đến một con bướm đánh hơi thấy mùi hoa không. Nhưng hoa kia thì vẫn thế, vẫn xinh đẹp tỏa hương hồn nhiên.
Xe nổ máy. Mọi người lại lên xe. Ông sư kể tiếp :
"Chàng trai bỗng thấy hiện ra một cô vợ trẻ. Lặng lẽ, người đàn bà vào ra lui tới. Lặng lẽ, người đàn bà pha nước đun trà. Rừng sâu câm nín như thế nào thì người đàn bà câm nín như thế ấy. Rừng sâu bí ẩn, người đàn bà cũng bí ẩn. Tại sao một người đàn bà trẻ như vậy lại sống với ông già ? Sống như đày đọa giữa âm ty tăm tối ? Sống cam phận, chịu đựng như kẻ nô tỳ dưới uy quyền tuyệt đối của ông lão tiều phu ? Rừng sâu ơi, tiều phu ơi, sao một vẻ đẹp thầm lặng có thể quyến rũ đến thế ! Suốt hai ngày ở lại để băng bó vết thương, khách lạ và người đàn bà chỉ trao đổi với nhau vài lời bằng mắt. Rồi khách đi, nhưng rừng sâu chắn lối, lại đưa khách về. Ông lão đã lầm lì lại càng lầm lì quan sát hơn. Mặt ông sắc, mắt ông dữ. Ông nói, nhìn sâu vào ruột gan người đối diện : "Đừng bao giờ cưới vợ trẻ nhé ! Tôi không đem cô này vào ở rừng sâu thì thiếu gì thằng nhãi ngoài chợ cuỗm mất !"
Ông tưởng có thể dấu vợ trẻ trong rừng sâu ! Ông cũng nuôi mộng đấy ! Ông định làm ảo thuật thì có kẻ làm ảo thuật cao hơn ông ! Ông nhốt vợ trong lỗ kim, tưởng thế là an toàn ; con voi non kia sẽ chui vào lỗ kim dễ như bỡn ! Kìa, ông nhìn vào lỗ kim mà xem : vợ ông đang tắm. Một gáo nước, hai gáo nước. Mái tóc ướt xõa chảy dài xuống vai. Cánh tay mềm mại múc gáo nước thứ ba, nước chảy trên tóc ướt, trên trán, trên hai con mắt lim dim, trên cổ, rơi xuống bờ vai, rơi xuống tận đâu đâu nữa ... Kìa, ông nhìn con voi non : cái vòi của nó đã chui vào lỗ kim rồi ..."
Dường như xe có ngừng lại ở đâu đó nữa, đổi qua xe khác. Dường như cả đoàn có lúc phải đi bộ khá xa, anh thanh niên ái ngại, hào hiệp đề nghị mang hành lý giúp cô gái. Dường như hành trình đã kéo dài hai ngày hai đêm. Tội nghiệp ông già bán táo không nghe được hết câu chuyện. Trong một lúc chờ xe khác, bỗng xe đến mà chỉ có một chỗ. Anh thanh niên gấp gáp lên thủ đô như vậy mà vui lòng đề nghị nhường chỗ cho ông bán táo ! Đâu phải anh chàng ham nghe nốt chuyện ! Tủm tỉm, ông sư nói nhỏ vào tai chàng : "Này, chú ơi, coi bộ cô ấy chịu chú rồi đấy nhé." Hai ngày qua rồi sao ? Nhanh thế ! Cũng như chàng trai trong rừng sâu, chui vào lỗ kim, ôm gái đẹp trong tay, ngây dại, chẳng còn biết đã ở trong nhà ông lão tiều phu bao nhiêu con trăng rồi.
"Như ngây như dại, chú bềnh bồng trong vui thú. Thú vui càng thầm lén càng say sưa. Nhưng kìa, sao ông tiều phu lại mài dao trong góc vườn ? Sao mắt ông đỏ ngầu tức khí ? Sao người đàn bà bỗng trở nên khó hiểu ? Đang thầm lặng, sao dữ dội ? Sao bỗng nhiên ra lệnh cho chàng trai : "Anh phải giết nó trước khi nó giết chúng ta ?" Có gì đâu, chị mang thai. Giết người ! Giết người ! Đầu óc quay cuồng của anh con trai bỗng xoáy quanh bài học trót học lơ đãng ngày trước : ngắt lá này sắc lên với lá này ... "
Không, không được đâu, tôi phải chấm dứt ở đây, tôi phải giữ lời hứa, tôi không thể viết tên thủ phạm lên trang đầu cuốn sách hay ở cuối chuyện phim. Không, tôi phải để dành cho ông sư và cây đàn của ông kể đoạn kết của câu chuyện thần tiên. Mà xe cũng đã ngừng lại rồi để chuyển qua xe khác chỉ có hai chỗ. Hai cha con cô gái đã xuống xe. Tôi cố tìm một thoáng bâng khuâng trên nét mặt dịu dàng của cô, nhưng không thấy. Cô vẫy tay chào ông sư và anh thanh niên, miệng vẫn cười xinh. Người thoáng một chút bâng khuâng có lẽ là tôi. Cô gái làm tôi yêu xứ Bhutan của cô quá chừng. Cô làm tôi yêu núi non. Tôi muốn chờ xe với cô. Chờ cả đời cũng được.Tôi nói thế không sợ ông sư cười đâu, không sợ ông cười tôi cũng đang nuôi xứ mộng. Bởi vì tôi thấy ông đến nói nhỏ câu gì với riêng cô trước khi lên xe, ông nói :" Đừng đi đâu cả cô nhé, ở lại làng nước với cha, cô nhé." Ít nhất cũng có một chuyện thật, một xứ thực : quê hương của cô gái. Ít nhất cũng có một hạnh phúc không phải giả : sống với cô gái hai ngày đường.
Cho nên khi lên xe đi tiếp với anh thanh niên, ông sư trẻ của tôi hóm hỉnh gảy đàn kể chuyện khác : "Ngày xưa, có anh thanh niên bỏ non nước thần tiên để tìm đến một xứ mộng. Giữa đường, anh gặp một cô gái thùy mị, xinh xắn ..."

***
Phim chiếu đã lâu, đoạt giải thưởng của khán giả trong Liên hoan phim Á châu  tại Deauville (Pháp) năm 2004, tại sao hôm nay tôi lại kể ? Quảng cáo không công cho DVD chăng ? Đâu phải ! Tại vì Bhutan vừa trở nên thời sự ! Cho đến gần đây, thế giới hãy còn cười mũi, chế nhạo đề nghị của nước này lấy hạnh phúc làm thước đo phát triển. Thay vì lấy tổng sản lượng quốc nội làm chỉ tiêu và đặt ba chữ GDP để thờ trên bàn thờ phát triển, Bhutan ngược ngạo phản biện : giàu nghèo mà làm gì nếu phát triển kinh tế không đưa đến hạnh phúc ? Thay vì đo bằng GDP (Gross Domestic Product), ta hãy đo bằng GNH, Gross National Happiness ! Ba chữ lạ hoắc GNH bây giờ bỗng lọt vào mắt xanh của Bộ Ngoại giao Nhật, của báo Mỹ, của đại học Mỹ. Bhutan đề nghị đo hạnh phúc trên bốn tiêu chuẩn : phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm. Nói gì bốn cho nhiều, chỉ mỗi tiêu chuẩn thứ tư ấy mà thôi, nếu thực hiện được, đã phước ba đời rồi.
Kể chuyện phim, tôi đâu có ý lân la qua chuyện kinh tế. Nhưng phim năm ngoái và GNH năm nay gợi lên chuyện hạnh phúc mà các nước giàu càng ngày càng biết rằng chẳng ai đem tiền ra mua được. GDP của Bhutan là 500 triệu đô la. GDP của Nhật là 4400 tỷ. Một giọt sương bên cạnh bát nước đầy ! Nhưng người Nhật có hạnh phúc hơn ông già bán táo trong phim không ? Các kinh tế gia tiếng tăm của Nhật tuyên bố trong hội thảo của Bộ Ngoại giao : nước Nhật phải bớt quan tâm đến mức tăng trưởng GDP để học hỏi quan niệm hạnh phúc của Bhutan. Cũng thế, một đại biểu Canada hỏi thẳng trong hội thảo ở Mỹ : ở đầu thế kỷ 21 này, ai còn dám tự hào "bạn phải cười đi vì bạn đang đứng giữa Disneyland" ? Cuốn phim đưa người xem đi vào cái nhìn hiền triết thời sự ngày nay mà Mathieu Ricard đã dự báo từ mấy năm trước. Ông nói : Buthan nghèo, nhưng không khổ, không có người ăn xin, nhà nào cũng có ruộng vườn, có trâu bò, có khung dệt, đủ ăn, đủ mặc, giáo dục, y tế miễn phí. Bhutan là nước nghèo duy nhất trên thế giới có rừng còn nguyên vẹn, là nước nghèo duy nhất trên thế giới hạn chế du lịch đến mức tối đa, là nước duy nhất trên thế giới cấm săn bắn, đánh cá. Bhutan không biết chen chúc : non một triệu dân sống rải rác trên một dãi đất dài 500 cây số, phong cảnh tuyệt đẹp, với một thủ đô không quá 30 ngàn người. Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan. Không ở đâu trời đất còn nghe tiếng nông dân hát ngoài đồng trong mùa gặt. Trong thế giới càng ngày càng phức tạp, Bhutan lựa chọn sống đơn giản. Người dân không có gì trong tay bởi vì họ có cả thế giới. Họ không tìm kiếm gì, bởi vì tất cả đều ở đấy rồi. Bởi vậy, người trong phim không vội vã. Không vội vã, nên họ tự do. Và tự do là hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến từ bên trong. Cám ơn Bhutan đã dám sống độc đáo với sự thật ấy.

Cao Huy Thuần

Chú thích : Travellers and Magicians (tiếng Pháp : Voyageurs et Magiciens), phim của đạo diễn Khyentse Norbu. Về GNH và những hội thảo tổ chức ở Nhật và ở Mỹ, xin xem : "Le Japon "ultra-performant" invité à s'inspirer du Bhoutan "heureux" (AFP 05-10-2005) và Andrew C. Revkin, "Pursuing Happiness in a Complex World : Bhutan Sets Goals for National Well-Being" ( New York Times,08-10-2005). Sách của Mathieu Ricard là : Plaidoyer pour le bonheur, Pocket, NiL Edition, 2003, từ trang 297.

Chuyện tử tế

Làm sao để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người từ tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn” - trích từ Phim tài liệu Chuyện tử tế của Đạo diễn Trần Văn Thủy.
Mời đọc lại Cọng rau tử tế! của TS. Nguyễn Sĩ Dũng trên LĐ 17/02/2014 và Sống tử tế! của Bình Lê, trên DN 31/12/2013.

Sử dụng khẩu hiệu

Để chuyển hướng lối tư duy logic của bản ngã, chúng ta thực hành khẩu hiệu dấn thân của Atisha, một đạo sư người Tây Tạng thế kỷ XI. Những khẩu hiệu thường như sau: “Đừng đố kỵ” và bạn tự hỏi “Sao họ biết được?”, hoặc là “Hãy tử tế với mọi người”, và bạn tự hỏi tử tế sao đây hoặc tại sao phải bận tâm. Một số khẩu hiệu như “Hãy tập thiền khi thấy mình giận” sẽ giúp bạn vượt lên lẽ thường. Những khẩu hiệu này không phải luôn luôn là những điều mà bạn muốn nghe, hay là thích làm theo.