Sách báo cho tuổi thơ

Vấn đề sách báo cho tuổi thơ đã được nhà giáo, nhà văn Mang Viên Long nêu lên 10 năm trước, khi tình hình sách báo dành cho tuổi thơ được in ấn và phổ biến thiếu chọn lọc. Thời đó khoảng năm 2000 đến năm 2005, chúng tôi nhớ, hầu hết những em học sinh mà chúng tôi biết đều thường lúc nào cũng cặp trong mình vài tập truyện tranh Đô-rê-mon. Chúng tôi thấy tình trạng các em nghiện truyện tranh như thế là không tốt, nhưng chưa nghĩ ra giải pháp nào cho nhu cầu giải trí của các em nên chúng tôi đành làm lơ. Sau đó, khi chúng tôi đi vào tìm hiểu thêm về khoa học giáo dục, chúng tôi mới thấy tình trạng để trẻ em đọc học theo thị hiếu của mình thiếu sự hướng dẫn hỗ trợ của phụ huynh và thầy cô là rất nguy hiểm. Nhất là khi chúng tôi đọc được tập Totto-chan - Cô Bé Bên Cửa Sổ, triết lý giáo dục trong tập sách này đã giúp chúng tôi thấy rõ hơn ảnh hưởng của “chất” giáo dục mà một người nhận được khi còn trẻ đối với cả một đời người ấy như thế nào. Ngày 4.3.2014 vừa qua, có duyên gặp và trò chuyện với thầy Mang Viên Long, thầy tặng chúng tôi tập Như Những Giọt Sương, trong đó có bài “Sách báo cho tuổi thơ” bàn đến vấn đề này.  Nhận thấy những điều thầy nói 10 năm trước, bây giờ vẫn còn phản ánh đúng thực tế, chúng tôi xin giới thiệu bài viết ở đây để chúng ta cùng đọc.
----------------------------------

Sách báo cho tuổi thơ

(Nguồn: Mang Viên Long, 2014, Như Những Giọt Sương - Tiểu luận và tạp bút. Nxb Hội Nhà Văn. tr. 247-250)

Nhu cầu cần thiết của tuổi thơ là ăn, mặc, học hành và giải trí. Nhưng các bậc phụ huynh vẫn thường chỉ chăm chút đến ba nhu cầu trước mà ít quan tâm tới như cầu thư giãn, giải trí cho tuổi thơ.


Phần đông chúng ta đều nghĩ rằng, việc giải trí là thứ yếu, không quan trọng, cứ để mặc cho trẻ chơi và nghỉ như thế nào tùy ý, không cần phải đầu tư, quan tâm. Song suy nghĩ như vậy là chưa phù hợp với sự giáo dục toàn diện cho trẻ, dẫn đến nhiều ảnh hưởng nguy hại cho hiện tại và tương lai...
Một trong những nhu cầu thiết yếu (và cũng rất tự nhiên) của trẻ là vấn đề đọc sách, báo. Ở lứa tuổi các cháu bắt đầu biết đọc, biết viết, sách rất cần thiết, cụ thể là truyện cổ, truyện tranh. Vào lứa tuổi này, sách truyện giáo dục đạo đức, nhân cách, tình cảm sẽ nuôi lớn sự tìm hiểu về đời sống quanh trẻ, bước đầu xây đắp một tâm hồn thuần thiện, trong sáng, có lý tưởng, ý chí. Qua những câu chuyện, trẻ sẽ có được sự học hỏi cần thiết mà tự chúng tìm thấy. Tác động của câu chuyện mạnh mẽ và lâu dài hơn những lời khuyên dạy suông - thông thường là khô khan và gò ép. Trong thời gian đầu đời này, nếu thiếu sự quan tâm hướng dẫn, góp phần lựa chọn sách đọc cho trẻ - cứ để cho chúng đọc gì cũng được - thì sự nguy hại có thể kéo dài, khó lường !
Qua lứa tuổi cấp II, sách giải trí cho các em đã có thể tăng lên một mức độ cao hơn, để phù hợp với sự hình thành nhân cách, trí tuệ phát triển : sách truyện dài hơn, vấn đề có tính "tìm hiểu" hơn, nhưng vẫn luôn chọn sách có giá trị nghệ thuật, hợp với trình độ, có tính rèn luyện, giáo dục cao. Đến lứa tuổi này, sự ảnh hưởng của truyện đọc, sách đọc sẽ có ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ, ngay trong hiện tại (không đợi đến sau này). Các em tò mò tìm hiểu, tò mò thực nghiệm (hay bắt chước), và dần dần hình thành những thói quen trong sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ và sau cùng là một nhân cách khó thay đổi.
Vào lứa tuổi cấp III, tuy các em đã có được một kiến thức, kinh nghiệm cơ bản nhưng không phải là đã hoàn toàn tự mình tìm lấy sách đọc được, mà cũng cần có sự "góp ý bàn bạc" của phụ huynh, của thầy cô giáo. Sách dành cho lứa tuổi này còn tùy ở sự ham thích, nhu cầu cho từng em ; nhưng có thể nói, đã qua giai đoạn "tìm hiểu đại cương", mà tiến sâu dần vào thời kỳ "tiền nghiên cứu" - có thể chuyên sâu vào từng lĩnh vực (Văn học, Xã hội, Khoa học, Lịch sử, Tôn giáo, Kỹ thuật...).
Phụ thuộc vào từng mức độ phát triển của các em và tùy vào hoàn cảnh hiện tại, phụ huynh cũng cần hướng dẫn, mua chọn cho con em mình những đầu sách tiêu biểu để tạo thói quen tìm đọc nơi chúng sau này. Ở lứa tuổi này, tâm hồn các em vẫn còn là "trang giấy trắng", nên sự gần gũi, theo dõi, hướng dẫn của phụ huynh là rất cần thiết. Chúng ta phải nắm biết các em đang cần gì, đang đọc sách báo gì, đang "giải trí" bằng cách nào, để kịp thời uốn nắn, tạo điều kiện tốt cho các em, một mặt thỏa mãn nhu cầu, mặt khác phát triển nhân cách theo chiều hướng tốt.
"Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người"- Chỉ việc "lợi ích 10 năm" thôi, người trồng cây còn phải chọn giống, còn cần mẫn bón phân, tưới nước, cắt tỉa... cây mới cao lớn, đơm hoa , kết trái, huống chi việc "trồng người"?  Trồng người còn khó, khổ hơn, hy sinh nhiều hơn, và chăm sóc liên tục. Ai ai cũng mong con cháu sẽ trưởng thành tốt đẹp, làm người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội ; nhưng ít người chịu khó  chuẩn bị thật chu đáo cho sự trưởng thành của con em mình.

Trong tình hình sách báo dành cho trẻ em được xuất bản bát nháo và thiếu chọn lọc như hiện nay, các bậc phụ huynh cần phải lưu tâm đến việc đọc cho con em mình hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm thực tế cho biết, nhiều khi chỉ một câu chuyện sâu sắc, một bài thơ đẹp, một quyển sách hay, cũng sẽ ghi đậm nơi tâm hồn trẻ cả đời và chuyển hóa mọi suy nghĩ, hành động một cách tích cực... và ngược lại.
Mang Viên Long