Bạn không
hành thiền, mà chính những quan kiến nằm sâu trong tâm bạn đang hành thiền. Nếu
những quan kiến bên trong này sai lầm, thì toàn bộ tiến trình thiền tập của bạn
cũng sai đường lạc lối. Chỉ khi tâm thiền (cái tâm biết tâm quan sát) có quan
kiến đúng đắn, thái độ đúng đắn và hiểu biết đúng đắn thì bạn mới thực hành đúng được.
Những thông
tin trong cuốn sách này, những buổi trình pháp và pháp đàm, những lời nhắc nhở
chỉ có mục đích là cung cấp cho chúng ta thông tin đúng. Rồi sau đó chúng ta sử
dụng những thông tin đã được học, nghe và hiểu ấy, cộng với vận dụng trí thông
minh (cũng là một loại trí tuệ) trong quá trình thực hành để phát triển trí
tuệ.
Chúng ta cần
có chánh kiến và chánh tư duy. Chúng ta cũng cần có sự thẩm sát, hay trạch
pháp, là sự quán xét các hiện tượng của thân tâm và tìm hiểu xem cách thức thực
hành và quan sát của mình như thế nào. Điều quan trọng ở đây là sự cần thiết
phải có trí tuệ đi cùng với chánh niệm để tuệ giác thu được từ kinh nghiệm trực
tiếp có cơ hội khởi sanh.
Tâm thiền,
cái tâm hay biết hay là tâm quan sát cần phải là một cái tâm “thuận pháp”, một
cái tâm thiện. Chúng ta chỉ thực hành đúng khi thực hành với một cái tâm thiện.
Chúng ta không thể nói mình thực hành đúng khi để tham, sân hay si hoạt động
trong tâm thiền.
________________________
Khi thực hành với mong cầu là thực hành với tâm
tham. Khi thực hành với tâm bất mãn hay không hài lòng là thực hành với tâm
sân. Khi không thực sự hiểu mình đang làm gì là thực hành với tâm si.
_______________________
Một phần
công việc thiền tập là bắt đầu nhận diện những xu hướng tâm bất thiện mỗi khi
nó sanh khởi. Khi có những động lực này trong tâm thì chúng ta không thể cố thực
hành được. Chúng ta phải nhận diện khi nào có xu hướng tâm sai hay bất thiện,
và khi nào có xu hướng tâm đúng hay thiện, cùng với những hậu quả tương ứng của
nó. Điều đó có nghĩa là học hiểu thế nào là thiện và thế nào là bất thiện. Để
làm được điều này, chúng ta phải sử dụng những kiến thức lý thuyết đã có, cộng
với sự thông minh và trí tuệ trong lúc thực hành để nhận diện phiền não mỗi khi
chúng có mặt trong tâm. Chúng ta cũng phải biết trân trọng tiến trình học hỏi
này.
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya
Người dịch: Sư Tâm Pháp