Trong
bài giảng đầu tiên của Đức Phật – bài giảng về 4 chân lý cao thượng - Người giảng về những đau khổ. Chân lý thứ nhất dạy
rằng một phần trong cuộc sống con người là cảm thấy bực bội. Dù thế này hay thế
khác thì bản chất này không thay đổi. Mọi thứ quanh ta như gió, lửa, đất, nước
luôn có những phẩm chất khác nhau, chúng như phù phép. Chúng ta cũng luôn thay
đổi như thời tiết vậy. Chúng ta lên xuống như thủy triều, chúng ta khi tròn khi
khuyết như mặt trăng. Chúng ta không thấy rằng mình cũng như thời tiết, chúng
ta cũng thay đổi chứ không cứng nhắc. Và thế là chúng ta đau khổ.
Chân lý
thứ hai dạy rằng kháng cự là cơ chế hoạt động cơ bản của bản ngã, và rằng kháng
cự lại cuộc sống gây ra khổ đau. Nói theo truyền thống (nhà Phật) thì nguyên
nhân của khổ đau là do tầm nhìn hạn hẹp, tức là, chúng ta bị kẹt vào cái NGÃ.
Chúng ta không thừa nhận rằng mình thay đổi như thời tiết, không thừa nhận mình
cũng có năng lượng như vạn vật. Và khi phủ nhận, ta làm tổn thương mình. Chúng
ta tự biến mình trở nên cứng nhắc. Kháng cự là điều mà ta gọi là bản ngã.
Chân lý
thứ ba cho rằng đau khổ không còn nữa khi chúng ta ngừng cố gắng bám chặt vào
cái NGÃ bằng mọi giá. Chúng ta thực hành điều này khi thiền. Khi chúng ta loại
bỏ những suy nghĩ và những câu chuyện, chúng ta chỉ ngồi lại với những năng lượng
của “thời tiết bên trong ta” mà trước đó ta đã cố gắng kháng cự lại.
Còn ý
nghĩa của chân lý thứ tư là chúng ta có thể sử dụng mọi thứ để giúp mình nhận
ra chúng ta là một phần năng lượng của tạo hóa. Nếu ta học cách ngồi yên như một
quả núi trong cơn bão, ngồi yên trước sự thật, trước sự mạnh mẽ và trực tiếp của
ý nghĩ mình là một phần của cuộc sống, thì chúng ta sẽ không còn là người luôn
phải yêu cầu mọi thứ theo đúng ý mình nữa. Khi ta không còn kháng cự mà để cho
thời tiết trở thành một phần của con người mình, chúng ta có thể sống một cuộc
sống của mình trọn vẹn. Điều này tùy thuộc vào chính bạn.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch
Thuỷ Dung dịch