a) Một cái cù lao nổi lên giữa sông
biển, chạy xa dài, thành ra một con lộ đi, các con đường ấy có ra là do nước
đấy, của hai bên sông biển.
b) Một khúc lộ mới đắp, vì bởi tại chỗ
đó là vũng sình lầy dơ dáy, không ai đi lội được.
c) Giữa sự chết khổ của thời gian, người
ta bày mở ra một sinh lộ, một an lạc đạo, cũng y như thế! Cả thảy đều do nơi
đời sanh ra đạo. Đời là bà hoàng hậu, mẹ đẻ nứt hông của đạo Phật. Đạo Phật
sanh ra ngang hông giữa cõi đời nên kêu gọi đạo Phật là trung đạo, chánh giác.
Người học đạo tức là vẹt đất nhảy lên,
phá địa ngục mà ra, xé càn khôn mà đến, đạp sanh tử mà đi, làm chủ lấy mình,
cao ráo sạch trên, không ai bì kịp. Cho đến ông cha thời gian cũng không nhốt
đặng, như vậy mới phải là người hoàn toàn giải thoát, giải thoát cái đời phát
sanh nguồn đạo.
Xưa kia
hồng hoang thượng cổ, chưa có người ta (quả địa cầu nầy đã trải qua không biết
bao nhiêu lần nổi xẹp, xẹp nổi, lần chót của nó là chúng ta đang ở đây) bấy giờ
còn là một bãi cát mênh mông, mới nổi, dọc theo chân núi Hy-mã-lạp-sơn; do đó
cỏ cây thú mới sanh ra. Loại thú sanh ra trước là vượn khỉ, tinh khôn hơn hết,
thường cất nhà ổ, ở trên ngọn cây cao, cả bầy có tới số trăm ngàn ; chúng nó
giàu lòng thương yêu gia tộc lắm! Người ta nói nó là thủy tổ của loài người.
Người
ta cũng nói: vượn khỉ trước kia là một giống sư tử hung bạo ; lại thủy tổ của
sư tử, là một giống chó rừng, sanh ra bởi trong hang đất như dê đất (phần
dương).
Người
ta nói rằng: những con sư tử thiếu niên hung bạo, lúc trở về già yếu đuối, bị
thú nhỏ hiếp đáp nên bỏ rừng sâu lên trên non núi, vì đói mới tập bò leo hái
trái, quen trèo bám níu, làm ổ ở luôn trên cây, kêu là vượn khỉ, chúng nó biết
thương yêu nhau, có lòng nhơn đạo, bỏ dưới thấp lên ở trên cao, là bởi đã già,
già kinh nghiệm, là bọn nạn nhân như nhau. Ở trên núi cây, lâu ngày nhàm chán
thiếu ăn, vượn khỉ mới chạy tuốt xuống đồng bằng, xuống đến đây chúng nó mới
tập đi hai chân vừa là để hái trái cũng vừa là để tập trồng tỉa, làm việc, ôm
gói xách đồ. Vì đói khát mà tập trồng gieo, vì nóng lạnh mà sắm ra chăn áo, vì mưa
nắng mà cất lập ổ nhà, vì đau bịnh mà nếm tìm thuốc cỏ. Chúng nó tập hành vi
làm việc, nên lần lần được khéo xảo, như chúng ta ngày nay! Bởi được chỗ ấm êm,
cùng vận động làm việc, nên lông lá đứt rụng bớt, và trở nên mỹ miều trắng đẹp.
Chúng
nó từ khi bỏ núi non, xuống chưn đồng ruộng, là bắt đầu ở chung nhau từng nhà
trên mặt đất, và chia ranh đất với nhau mà làm ruộn; lập ra từng kiến họ, bổn
tộc gia đình phân riêng, từ đó mạnh ai nấy lo bổn phận quyến luyến với vợ con,
không còn hay tới lui chung chạ nhau như hồi ở trên non núi nữa; vì lẽ đó nơi
đồng ruộng, không có thú dữ hùm beo, nên không cần quy hợp; hơn nữa bởi mắc
say mê việc làm mỏi mệt, nên cũng ít hay thân cận. Nhờ có sự ăn mặc ở bịnh biết
làm, có nhơn, nên từ đó người ta kêu là loài người, và số người ngày càng nảy
sanh thêm trội đông đảo lắm, sau đó mới phân chia ra đi ở khắp trên mặt địa
cầu, tùy phong thổ mỗi nơi, màu da tiếng nói có khác lẫn nhau, nhưng cái sống,
cái biết, cái linh, vốn không sửa đổi, nên đều gọi là chúng sanh nhơn loại, có
lòng nhơn y nhau, ấy là lớp toại nhơn.
Cũng
bắt đầu tư đó, người ta mới gọi là thế giới, giáo lý, thế giới là sự sống
chung, gồm cả những xã hội cũng như xã hội là gồm những gia đình, gia đình là
gồm những kẻ lẻ loi vậy.
Giáo lý
thế giới sống chung tu học kêu là đạo, đạo có do sự văn minh, học sáng của trí
thức, trí thức có là bởi hành vi, và các sự nạn khổ của gia đình xã hội, ích kỷ
chia riêng tranh đấu với nhau, giống như sự sôi nổi của vũng sình lầy chất lợi,
dưới cơn nắng gắt, của danh vọng. Cũng vì sự chết khổ của xã hội gia đình,
người ta mới bỏ ra hết những giai cấp thần quyền, của ông cha đánh phạt trẻ con; người ta sau khi đã được văn minh học sáng, có thức trí tinh thần, vượt qua
khỏi lớp tuổi trẻ ban đầu của ăn mặc ở bịnh rồi, người ta đã già, già kinh
nghiệm rồi, là những ông già ấy sẽ phải sống chung nhau, bình đẳng cả thế giới
an lạc ; giáo lý thế giới ấy, tức là con đường an lạc, chỗ đến của tất cả nhơn
loại trèo lên, để vượt qua sự chết khổ ; giáo lý ấy chỉ dung chứa được những bậc
tâm trí đã già, nên gọi đạo đức là cao hơn hết, bình đẳng trang nghiêm hơn hết,
vì không còn có lớp nào, qua trên hơn cái lớp ông già nữa ; nơi ấy sẽ không còn
có những sự vật ăn chơi, nô đùa theo như trẻ nhỏ. Đến chừng đó gọi là quả địa
cầu đã đến lớp tuổi già, tức là trong thời gian không gian võ trụ, quả địa cầu
là một vầng hơi, có chứa đất, nước, lửa, gió nổi phù lên, nơi trên ấy chúng
sanh đã trở nên Trời Phật, y như các thế giới Phật Trời, thiên đường Tây phương
cõi khác. Đó là nguồn gốc đạo lý, từ đầu đến đuôi, từ cuối đến ngọn ; cũng như
nguồn suối nhỏ của chót núi rừng, nước chảy ra biển cả; nơi biển giả là nước
đọng chung lại, một màu, một chất mặn, một mực một ; bằng thẳng, an vui, không
còn tai nạn nữa, nơi đó là chỗ nghỉ yên của nước sông nguồn. Sự thật y như thế,
giáo lý bằng thẳng của thế giới ông già, là như biển giả, nước đã mặn già, nước
ấy đã trải qua những sự già đau khổ, từ trong sông suối, mới đến được về đây.
Xã hội ví như sông to, gia đình là suối nhỏ, sự lẻ loi từng giọt, hột nước, ở
trên chót núi.
Như vậy
là sự tiến triển của chúng sanh, trước hết ở rừng ác hung mê muội kế đó hiền
lương lên núi, sau lại trở xuống đồng bằng, tập hành vi nhân loại, gia đình như
người nhỏ ; sau nữa số đông đảo mới bày ra xã hội, có chúa tể có trời cha, đến
khi tất cả đều già, thì bình đẳng sống chung tu học tự nhiên, đến lớp của những
bậc giác ngộ là Phật, trong đó không còn có những danh từ ông cha ông Trời, con
người dối tạm nữa. Chừng ấy gọi là chư Phật, chư vị giác chơn, chớ không còn có
cái tên gọi chúng sanh.
Khi đó
thế giới nầy đã trở nên nhà đạo đức, hay trường đạo đức của võ trụ, những học
sanh sống chung tu học trong ấy, tức là chư Phật, cũng là những hột giống của
tứ đại. Còn thế giới sẽ là một cái trái chứa đựng hột như kho vựa.
(trích Chơn Lý 34 - Tổ sư Minh Đăng Quang)