David. I. Miller phỏng vấn Jack Kornfield (Giác Kiến dịch)
Với tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống bận rộn của con người, khái
niệm “sống trong hiện tại” của Phật giáo dường như là một mục tiêu đáng theo đuổi
nhưng có vẻ quá lý tưởng. Nghe thì hay đó - bạn có thể nói vậy - nhưng ai có thời
gian đâu mà “sống trong hiện tại”? Thế nhưng, kiên nhẫn thực tập ý thức những
gì đang diễn ra, ngay bây giờ và ở đây, sẽ mang lại những kết quả không ngờ.
* * *
Jack Kornfield là một thiền giả và tác giả nổi tiếng.
Kornfield có nhiều năm kinh nghiệm dạy phương pháp sống tỉnh thức, đặc biệt là
nghệ thuật sống tỉnh thức giữa những thử thách và cám dỗ của thế giới hiện đại.
Kornfield hiện nay đã 60 tuổi, đã từng tu tập ở các tu viện Phật giáo ở Thái
Lan, Ấn Độ và Miến Điện. Ông là tác giả của các tập sách “A Path With Heart” -
Con đường từ tâm, “The Art of Forgiveness, Lovingkindness, and Peace” - Nghệ
thuật tha thứ, thương yêu và hạnh phúc, “Meditation for Beginners” - Bước đầu
hành thiền” và nhiều tác phẩm khác.
Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với Kornfield tại khu vườn
quê của Spirit Rock, một trung tâm thiền ở Marin County mà Kornfield là một
trong những người sáng lập.
D. I. Miller: Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện với
câu hỏi căn bản nhất: Tỉnh thức là gì và tại sao tỉnh thức quan trọng?
Kornfield: Tỉnh thức là khả năng ý thức trọn vẹn về
chính mình, về sự sống của chính mình, là khả năng học từ sự sống ấy. Chúng ta
sử dụng phần lớn thời gian trong ngày cho các hoạt động tự phát. Lái xe, chúng
ta biết là mình lái xe chứ không phải không, nhưng đến khi cho xe dừng lại bên
đường, chúng ta mới chợt nhận ra rằng, “Ủa, tôi tới đây rồi sao? Tôi đâu có biết
là tôi đang lái xe đâu.” Thế nhưng, khi chúng ta ý thức, mọi thứ trở nên đẹp lạ,
nghĩa là, chúng ta thấy có không gian đủ cho những vui buồn được mất của mình,
tất cả đều diễn ra một cách yên ắng.
D. I. Miller: Và con đường dẫn đến tỉnh thức là
thiền?
Kornfield: Có nhiều phương pháp thực tập tỉnh thức.
Thiền là một phương pháp tốt. Muốn giỏi trong công việc gì, bạn cần tỉnh thức.
Một người đầu bếp giỏi phải ý thức về những món mình nấu, về dao cắt, về hương
vị thực của món ăn mình tạo ra. Tỉnh thức là một kỹ năng, là một phần trong sự
phát triển của con người trong nhiều lĩnh vực. Thực hành thiền có thể khó, nhất
là trong những nền văn hóa mà công nghệ đã đẩy con người lao tới. Khó vậy thì
sao? Thực ra, thực hành thiền không đến nỗi quá khó vậy đâu.
Những người theo học lớp thiền của tôi, ban đầu, thường tỏ
ra bận rộn và cảm thấy căng thẳng. Và bởi vì họ không biết phải làm sao với những
bận rộn và căng thẳng đó, họ cảm thấy thực hành thiền sao khó quá. Nhưng một
khi họ nhận ra khả năng tạo được một bầu không khí êm dịu cho sự căng thẳng đó
trong tỉnh thức để cho sự căng thẳng đó tự nó tan đi, hay khả năng thấy được sự
chộn rộn của tâm mình trong không gian tỉnh thức và để cho những tâm tưởng tự đến
rồi đi như mây khói; một khi họ biết chút ít về phương pháp làm lắng dịu tâm tưởng
và mở rộng con tim, thì ngay cả khi họ phải đương đầu với những bận rộn và thậm
chí khó khăn của cuộc sống, thực hành thiền sẽ giúp họ vượt qua.
D. I. Miller: Ông cũng có vẻ hơi bận rộn đó. Ông
có bao giờ thấy vất vả để tìm được sự bình yên giữa thế giới cuồng quay này
không?
Kornfield: Tôi cũng bận rộn nhưng tôi rất vui. Tôi bận
rộn với cuộc sống gia đình như một người bình thường, như một người thầy, như một
tác gia và như một thành viên của cộng đồng. Nhưng, ở một mức nào đó, tôi làm tất
cả những việc này trong thiền định. Tôi làm trong tỉnh thức. Và tất nhiên, tôi
phải ngồi thiền và những thời ngồi thiền đó giúp tôi làm lắng dịu tâm mình và
đưa tôi trở về với trạng thái yên tĩnh. Tôi cũng thường ngồi thiền và thực tập
tâm từ để cho chất liệu từ bi đó xông ướp công việc hằng ngày của tôi. Tôi nghĩ
trong cuộc sống bận rộn mà chúng ta có khả năng thực tập như vậy mới là điều
quan trọng.
D. I. Miller: Ông tự cho mình là người hạnh phúc.
Thế thì, theo ông, hạnh phúc là gì?
Kornfield: Hạnh phúc là một trạng thái bình an sâu lắng,
dung thông cả mình và vạn vật. Hạnh phúc khác với vui thích. Vui thích đến rồi
đi. Bạn có thể có một bữa ăn ngon, và bạn vui thích, nhưng rồi trạng thái vui
thích đó sẽ qua mau. Khó và khổ cũng đến rồi đi. Còn hạnh phúc, hạnh phúc chân
thật, là chất liệu an lạc có thể luôn có mặt giữa dòng trôi của khổ vui còn mất
đó. Chúng ta có thể thấy nguồn hạnh phúc đó tỏa ra từ những người như Đức Đạt
Lai Lạt Ma chẳng hạn, hay như Nelson Mandela, một người, sau 27 năm bị giam cầm
trên đảo Robben, vẫn có thể bước đi với một trái tim rộng mở và một tâm hồn cao
đẹp, không hề trách cứ cuộc đời một cách chua cay. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào,
chúng ta đều có thể sống một cuộc sống trọn vẹn cao quý như vậy.
D. I. Miller: Với nhiều người, hạnh phúc luôn là
cuộc đuổi bắt - hoặc là chiếc xe mới, hoặc là được thăng cấp, hoặc là một chuyến
du lịch đến Bermuda. Nhưng khi đuổi bắt được rồi, họ vẫn chưa thỏa mãn. Họ muốn
nữa. Tại sao lại vậy?
Kornfield: Để tôi kể anh nghe câu chuyện này. Một ký
giả hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài đến Washington vừa rồi: Ngài vừa viết quyển
sách “Nghệ thuật hạnh phúc”, đó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất
trong hai năm qua – Ngài có thể chia sẻ với độc giả về giây phút hạnh phúc nhất
trong đời Ngài được không? Và Đức Đạt Lai Lạt Ma cười giòn nói rằng: “Bây
giờ, để tôi nghĩ thử xem!”
Hạnh phúc không thể có nhờ đạt được một điều gì đó trong
tương lai. Hạnh phúc là khả năng mở rộng trái tim và tầm nhìn, là khả năng có mặt
bây giờ và ở đây để cảm nghiệm được hạnh phúc đang có mặt. Ngay cả trong gian
khó, hạnh phúc cũng có mặt nếu chúng ta có trái tim từ ái; nguồn hạnh phúc đó
có thể đưa chúng ta vượt qua gian khó. Do vậy, hạnh phúc khác với vui thích,
khác với niềm vui đuổi bắt.
D. I. Miller: Ông có thể cho một lời khuyên thiết
thực nhất về con đường tâm linh được không?
Kornfield: Buông xả. Đó là hướng dẫn đầu tiên. Ai
cũng biết, tất cả chúng ta đều gặp những tình huống có vấn đề, chẳng hạn như,
có việc khẩn tại công sở, hay có người thân đang nhập viện, hay có tin vui nào
đó ngập cả lòng ta. Buông xả giúp chúng ta phản ứng một cách tự nhiên thay vì để
cho căng thẳng hay lo lắng sai khiến mình.
Hướng dẫn tiếp theo là, đặc biệt là trong những hoàn cảnh
khó khăn, hãy cố gắng giữ tâm từ ái. Em bé khóc cả đêm làm bạn không ngủ được,
hay một tai nạn xe hơi vừa mới xảy ra, hay bạn đang cố gắng làm hòa với một người
gắt gỏng, bạn đều có thể phản ứng một cách nhẹ nhàng trong mọi tình huống nếu bạn
giữ được tâm từ ái.
D. I. Miller: Nghe có vẻ khá đơn giản. Nhưng thực
hành có dễ không?
Kornfield: Cái hay cái đẹp của tỉnh thức hay của lòng
từ mà chúng ta đang nói nằm ở chỗ các trạng thái đó đã có sẵn trong ta. Ngay cả
một người tội phạm cứng đầu nhất cũng có thể lao ra cứu em bé nếu em bị té giữa
đường phố trong tình trạng nguy hiểm. Tự mình đủ khả năng nhận ra lòng từ ái là
gì, nhưng có điều là lòng từ ái dễ bị che khuất bởi cuộc sống bận rộn và nỗi lo
lắng của mình.
(còn tiếp)