Những người tập luyện toàn tâm toàn ý trong việc khai mở tâm
bồ-đề được gọi là Bồ-tát hay Người dấn thân. Ở đây, dấn thân không phải để giết
hại, mà là dấn thân ôn hoà để nghe tiếng khóc của cuộc đời. Bồ-tát dấn thân bước
vào cuộc sống đầy cạm bẫy này để xoa dịu những nỗi đau khổ. Họ sẵn sàng vượt
qua những phản ứng và dối lừa cá nhân. Họ hết lòng khơi mở nguồn năng lượng
uyên nguyên của tâm bồ-đề.
Người dấn thân chấp nhận một điều rằng sẽ không bao giờ biết
được điều gì tiếp theo sẽ xảy ra cho chúng ta. Chúng ta có thể cố gắng kiểm
soát những điều không thể ngăn được bằng cách kiếm tìm sự an ổn và những tiên
đoán trước, luôn luôn hy vọng mọi việc trở nên nhẹ nhàng và an bình. Nhưng sự
thật là chúng ta không bao giờ né tránh được vô thường. Điều chưa biết này là một
phần của sự khám phá. Đó cũng là điều khiến chúng ta lo sợ.
Dù ở bất cứ nơi nào, chúng ta đều có thể luyện mình như một người
dấn thân như thế. Phương pháp của chúng ta là ngồi thiền, tập cho-và-nhận, tập
dùng khẩu hiệu để luyện tâm, và thực tập bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Với
sự hỗ trợ của những phương pháp này, chúng ta sẽ tìm thấy sự thuần thục của tâm
bồ-đề ngay trong nỗi đau khổ và lòng biết ơn, vốn ẩn sau sự sôi sục của giận dữ
và run rẩy của sợ hãi. Trong nỗi cô đơn cũng như lòng nhân ái, chúng ta đều có
thể khơi mở được chốn bình yên của tính thiện căn bản. Tuy nhiên, việc tu tập tâm
bồ-đề có thể không mang lại những trái hứa ngọt ngào. Mà thay vì thế, cái “tôi”
– vốn muốn tìm sự an ổn, và muốn có cái
gì đó để trụ vào – cuối cùng tự biết mình trưởng thành hơn.
Nếu chính chúng ta còn nghi ngờ rằng chúng ta đã đủ tốt để
trở thành một người dấn thân hay chưa, thì chúng ta có thể suy ngẫm câu hỏi
này: “Tôi muốn trưởng thành và mạnh dạn đi vào cuộc đời, hay tôi sẽ chọn cách sống
và chết trong nỗi sợ hãi?”
Pema Chodron