1.
Người giác ngộ là người như thế nào? À, đó có thể là người nam hoặc người nữ.
Bạn có thể tìm thấy họ trong một tu viện hoặc một ngôi nhà ở ngoại ô, trong
rừng hoặc ở trong một thị trấn nhỏ. Nhưng sự thật thì không có nhiều người
trong số họ giác ngộ ở những nơi đó như nhiều người thường nghĩ. Không phải vì
sự giác ngộ vốn quá khó khăn; mà sự thật đáng buồn là hầu hết con người không chịu
quan tâm kéo mình ra khỏi vũng lầy của vô minh và tham đắm.
2.
Lúc đầu, bạn sẽ không nhận ra người giác ngộ trong một đám đông bởi vì họ khá
trầm lặng và kín đáo. Nhưng khi mọi thứ bắt đầu trở nên sôi nổi, khi đó họ mới
nổi bật. Khi người khác bị những cơn giận làm cho bừng cháy lên thì người giác
ngộ vẫn lặng yên với tất cả tình yêu thương. Khi người khác đang ở trong tình
trạng rối loạn vì những cơn khủng hoảng thì người giác ngộ vẫn bình tĩnh như
trước đây. Trong một cuộc tranh giành điên rồ của nhiều người để đạt được nhiều
như có thể, người giác ngộ sẽ là người lặng yên trong góc với gương mặt điềm
tĩnh. Vị ấy bước đi một cách êm ả trên con đường gồ ghề, vị ấy kiên định giữa
sự lay động. Đó không phải là vì vị ấy muốn tạo nên sự khác biệt, mà chính do
sự giải thoát khỏi lòng tham muốn đã làm
cho vị ấy hoàn toàn độc lập và tự chủ. Nhưng lạ thay, mặc dù người khác không
thể làm lay động vị ấy, nhưng sự bình tĩnh của vị ấy thì lại lay động được họ.
Những ngôn từ hòa nhã của vị ấy đã hợp nhất những xung đột và thậm chí giúp những
người đã nối kết với nhau gần nhau hơn. Người đau khổ, người sợ hãi và người lo
lắng sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi họ nói chuyện với vị ấy. Những động vật hoang
dã cảm nhận được lòng từ bi trong trái tim của người giác ngộ và chúng không
còn sợ hãi nữa. Ngay cả những nơi vị ấy cư ngụ, đó có thể là làng, rừng, đồi
hoặc thung lũng, dường như có vẻ đẹp hơn, đơn giản chỉ bởi vì nơi đó có người
giác ngộ.
3.
Người giác ngộ luôn luôn không thể hiện một ý kiến hay bảo vệ một quan điểm nào,
trên thực tế vị ấy dường như không có bất kì quan điểm nào, vì vậy người ta
thường nhầm lẫn vị ấy là một người ngu xuẩn. Khi vị ấy không có sự khó chịu
hoặc trả thù, sỉ nhục hoặc nhạo báng ai, thì người ta lại nghĩ có một cái gì đó
không ổn trong vị ấy. Nhưng vị ấy không quan tâm những gì họ nghĩ. Vị ấy bị cho
là ngớ ngẩn nhưng đó chỉ là vì vị ấy thích giữ im lặng hơn. Người giác ngộ làm
như thể vị ấy bị mù nhưng thực chất là thấy rõ tất cả mọi thứ đang diễn ra. Mọi
người nghĩ rằng vị ấy yếu nhưng thực sự là rất mạnh mẽ. Bất kể là vẻ bề ngoài
thế nào, vị ấy luôn sắc bén như lưỡi dao cạo.
4.
Khuôn mặt của người giác ngộ luôn luôn rạng rỡ và thanh thản bởi vì vị ấy không
bao giờ lo lắng về những gì đã xảy ra ngày hôm qua hoặc những gì có thể xảy ra
vào ngày mai. Từ dáng đi đến những động tác của vị ấy đều thanh nhã và tự tin
bởi vì vị ấy có một lực chánh niệm tự nhiên trong mọi việc vị ấy làm. Giọng nói
của vị ấy thì thu hút và ngôn từ thì tao nhã, rõ ràng, và xác đáng. Người giác
ngộ đẹp một cách tự nhiên vì đơn giản vị ấy không làm bất cứ điều gì trên gương
mặt hay với ngoại hình hoặc tài hùng biện, mà mọi thứ xuất phát từ chất thiện
lành bên trong vị ấy.
5.
Có thể người giác ngộ có một ngôi nhà, nhưng nếu nó bị đốt cháy vào ngày mai thì
vị ấy sẽ di chuyển đến một nơi khác và ở ngay đó một cách thoải mái. Vị ấy có
thể ở bất cứ nơi đâu. Ngay cả những người cố gắng cắt giảm số lượng hoặc những
thứ mà họ có, họ dường như luôn luôn có quá nhiều. Còn người giác ngộ thì dường
như luôn biết đủ dù có ai cho bao nhiêu đi chăng nữa. Đúng vậy, vị ấy cũng tìm
kiếm những nhu cầu cần thiết của cuộc sống như bao nhiêu người khác, nhưng vị
ấy chỉ nhận những gì mà mình cần và những nhu cầu của vị ấy thì rất nhỏ. Cuộc
sống của vị ấy thì gọn gàng và đơn giản và vị ấy hài lòng với những gì xảy ra
trên con đường của mình. Thực phẩm thực sự của vị ấy là hỷ, thức uống thực sự
của vị ấy là chân lý, ngôi nhà thực sự của vị ấy là sự tỉnh thức.
6.
Người bình thường thì ồn ào như tiếng suối chảy róc rách trong khi người giác
ngộ thì yên lặng như độ sâu của đại dương. Vị ấy yêu thích sự tĩnh lặng và vị
ấy nói với tinh thần tán dương sự yên tĩnh. Nói như vậy, tôi không có ý nói là
vị ấy không bao giờ mở miệng. Vị ấy quá hạnh phúc khi nói về Giáo Pháp cho
những người thích quan tâm lắng nghe, mặc dù vị ấy không bao giờ thuyết giảng
và vị ấy sẽ không bị thu hút vào những cuộc luận đàm hay tranh cãi. Hơn nữa,
bởi vì vị ấy không nói vượt qua ngoài giới hạn những gì mà vị ấy chắc chắn biết,
tất cả mọi thứ vị ấy nói đều mang tính xác thực mà cả “những chuyên gia” cũng
khó có thể sánh bằng.
7.
Tâm của người giác ngộ thì không lộn xộn với những ý nghĩ và cũng không phải là
không hoạt động. Khi vị ấy cần ý tưởng thì vị ấy suy nghĩ và khi vị ấy không
cần thì vị ấy để tâm trong trạng thái yên lặng. Đối với vị ấy, tư tưởng là một
công cụ chứ không phải là một vấn đề. Vị ấy vẫn có những kí ức, những cảm xúc
và những ý tưởng nhưng vị ấy không bị lay động bởi chúng. Đối với vị ấy chúng
chỉ là những ảo tưởng huyền diệu. Vị ấy quan sát chúng khi chúng khởi lên, khi
chúng tiếp tục tồn tại, và khi chúng mất đi. Tâm của vị ấy giống như bầu trời
trống không trong sáng – những đám mây trôi giạt qua nhưng nó vẫn cứ cao rộng,
tinh khôi và không thay đổi.
8.
Mặc dù người giác ngộ luôn trong sáng trong tất cả mọi việc, nhưng vị ấy không
nghĩ rằng mình là tốt hơn, tốt bằng hay thua kém đối với bất kì người nào khác.
Những người khác thì cứ là những người khác, ở đây không có nhu cầu phán đoán
hay so sánh. Vị ấy thì không ủng hộ hay phản đối bất cứ ai hay bất cứ điều gì.
Vị ấy không thấy những điều trong giới hạn của thiện và ác, thanh tịnh và bất
tịnh, thành công và thất bại nữa. Vị ấy hiểu rõ thế giới nhị nguyên và vượt
thoát ra khỏi nó. Vị ấy cũng đã thoát ra ngoài ý tưởng của luân hồi và niết bàn.
Vượt thoát ngoài mọi thứ, vị ấy tự do đối với mọi thứ. Không tham muốn, không
sợ hãi, không tưởng tượng và không lo lắng.
9.
Trước đó không lâu, người giác ngộ cũng lúng túng và không hạnh phúc như những
người khác. Vậy làm thế nào vị ấy có được cách mà vị ấy có ? Thực sự rất đơn
giản. Vị ấy dừng lại việc tìm kiếm nguyên nhân của tất cả đau khổ bên ngoài và
bắt đầu nhìn vào bên trong bản thân mình. Khi nhìn, vị ấy thấy rằng những điều mà
vị ấy đã nhận là mình và đã chấp chặt, như thân thể, tình cảm, cảm xúc, ý tưởng
và những vấn đề, tất cả đều không phải là của mình. Và khi đó, vị ấy buông xả.
Không còn vướng mắc vào những điều không thật nữa, vị ấy thấy sự thật, thấy lẽ không
sanh, không thành, không tạo, không tác. Bây giờ vị ấy an trú trong tự do vô
tướng rỗng không đó và vị ấy hạnh phúc trong tất cả các thời. Vì lý do đó mà
chúng ta khó phân biệt người giác ngộ. Những người khác thì cố gắng phân loại
họ bằng việc gọi họ là một vị thánh, một vị A-la-hán hoặc thậm chí đôi khi gọi
là một kẻ ngu ngốc. Trái lại vị ấy chỉ cười với những danh hiệu này và đề cập đến
bản thân như “một người tầm thường”. Làm thế nào bạn có thể gắn danh hiệu cho
một người đã vượt qua mọi ranh giới?
10.
Bởi vì vị ấy đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và không có gì thêm để thực hiện, người
giác ngộ dành phần lớn thời gian ngồi yên lặng chú ý đến những việc của mình.
Đối với người bình thường thì cuộc sống của người giác ngộ có vẻ giống như một
người đần độn.“Hãy cho tôi một chút sôi động, một chút khác biệt” họ nói vậy.
Nhưng tất nhiên khi họ có được sự phấn khích hoặc nhiều loại mà họ không thích
– bệnh tật, thất bại, sự hắt hủi hay tử vong – thì họ rơi vào tuyệt vọng. Lúc
đó, người giác ngộ mới bước tới để giúp đỡ và chữa lành một cách thầm lặng. Và
bởi vì vị ấy có nhiều thời gian nên vị ấy có thể dành trọn phần mình cho người
khác. Vị ấy tiếp xúc với mọi người bằng tất cả tình yêu thương.
11.
Vị ấy cảm thấy hạnh phúc để chờ một cơ hội tốt như thế cho đến khi kết thúc và
khi cái chết cuối cùng diễn ra, vị ấy ra đi mà không sợ hãi và cảm thấy không hối tiếc. Sau khi chết thì
điều gì xảy ra đối với người giác ngộ ? Nhiều học giả đã tranh cãi về điều này
trong nhiều thế kỉ. Nhưng bạn không thể tìm thấy nơi mà người giác ngộ đã đi, cũng
như bạn không thể tìm thấy đường đi của một con chim đang bay tự do trên bầu
trời. Chết cũng giống như sống, Người Vô Tích đến và đi đều không để lại dấu
vết nào.
Shravasti Dhammika
Vĩnh Thuỵ dịch