Vấn đề chính của sự rèn luyện dấn thân không phải là làm thế
nào để tránh vô thường và sợ hãi, mà là ở
chỗ chúng ta sống với những ưu phiền như thế nào? Chúng ta tập sống với khó
khăn, với xúc cảm, với bất trắc của một ngày thường như thế nào? Đối với những
người tha thiết tìm cầu chân lý như chúng ta, những cảm giác đau khổ thường phất
lên bảo rằng: “Bạn bế tắc rồi!” Chúng ta xem thất vọng, lo lắng, bực tức, đố kỵ
và sợ hãi như những phút giây chỉ cho chúng ta thấy chúng ta đang bị kẹt ở đâu
và làm sao chúng ta khép mình lại. Những cảm giác bất an đó chính là những
thông điệp nhắc chúng ta biết phấn chấn lên và thích nghi với hoàn cảnh.
Khi vươn lên, chúng ta có một cơ hội: chúng ta có thể chấp
nhận những cảm giác khổ đau thay vì buông xuôi tất cả. Chấp nhận là chính chúng
ta nắm được ý nghĩa của sự điềm tĩnh khi chúng ta sắp trở nên giận dữ thốt ra
những lời khiển trách, lý lẽ đạo đức và cả sự xa lánh nhau. Đó chính là cách
chúng ta giữ cho mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn bằng cách tự nói với bản thân
mình ý nghĩa của sự thanh thản và cảm hứng sống. Điều này nói dễ hơn làm.
Thông thường, chúng ta bị cuốn theo thói quen thường nhật.
Chúng ta không ngăn được những khuôn khổ này dù chỉ là một ít thôi. Tuy nhiên,
qua việc tu tập, chúng ta học cách chấp nhận với trái tim đã tan vỡ, với nỗi sợ
hãi không tên, với nỗi khao khát phục thù. Gắn liền với những bất trắc là cách
chúng ta học cách thư giãn giữa cuộc sống hỗn loạn này, học cách trở nên bình
tĩnh khi mặt đất bên dưới chúng ta đột nhiên biến mất. Chúng ta tự trở về với
việc tu tập tâm mình mỗi ngày đơn giản chỉ bằng việc luyện tập cho chúng ta
thói quen biết đặt niềm tin vào tính bất định của thời điểm hiện tại – và mãi
mãi.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch