Rộn trong lễ nghi

Tết đến, cùng với cái rộn ràng tất niên là cảnh rộn ràng trong nghi lễ của mọi người. Tôi đã chọn ở góc núi vậy mà cảnh lễ nghi cũng rộn lên. Kẻ đến người đi. Chào chào nói nói. Người mang theo bó bông. Người xách theo túi quả. Rồi bánh tét, dầu ăn, đường, muối, mức gừng... Tôi đã quyết năm nay không ăn tết dềnh dang mà hương vị tết cứ nức lên. Quê mình là vậy. Thân tình lắm, các bác các anh chị mới chịu khó ra đến góc núi lạnh này. Tôi quý tấm lòng bằng hữu của các bác và các anh chị.

Nhưng nhìn vật phẩm anh chị mang đến, nghi thức chào hỏi của anh chị, tôi không khỏi suy nghĩ về chuyện nghi lễ của quê mình. Chuyện này thì có người đã bàn.
Theo bác Vương Trí Nhàn, “cách chúng ta tổ chức hiện nay, thì ở đó có bao nhiêu cổ hủ, bao nhiêu đắp điếm giả tạo, và ngày tết không khỏi trở thành là một dịp phô bầy ra cái sự lạc hậu trong nếp sống nếp nghĩ đã từng ngự trị trong quá khứ, và ngày nay còn để lại nhiều di lụy. Bác tỏ ra lo lắng khi thấy “nhịp điệu uể oải chậm chạp của một xã hội u tối” trong kiểu ăn chơi ngày tết của đông đảo quần chúng. Đó là một góc nhìn trong các góc nhìn, chỉ phản ánh một phần nào đó trong toàn bức tranh xã hội thôi.
Thực chất, việc thăm và chúc tết của các anh chị giúp tôi thấm hơn nghĩa sum họp và tri ân của ngày tết và trân trọng hơn tình bằng hữu. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính nghi lễ ấy vẫn còn dấu hiệu và dáng dấp dềnh dang không nên có.
[...]
Tôi đang ghi lại mấy lời bàn về nghi lễ của những người quan tâm đến hiện trạng nghi lễ hiện nay thì lại có khách đến. Đặt 2 ly cà phê đen lên sàn gỗ, khách mời và chỉ túi đường nhỏ, nếu thích thì thêm vào. Cái đơn sơ của vị khách hiện là một cán bộ uy tín cấp tỉnh làm tôi thích thú. Tôi chợt nhớ đến chia sẻ của bác Cao Huy Thuần ba năm về trước. Bác bảo, “tôi sợ lễ nghi, cung cách. Lễ nghi lắm khi giết chết lễ nghi.” Sợ nhưng tránh đâu được. Bác phải luận: bản chất đơn sơ của mọi sự vật, đơn sơ đến độ như không vướng mắc vào bất cứ một cái gì, như không có gì, như chỉ duy nhất tầm thường có thế thôi là cao hơn cả. Từ chỗ cái đơn sơ đó, bác phán rằng, đơn sơ là tinh tuý của nghi lễ. Không dừng lại ở đó, bác lại phán tiếp: Đơn sơ là tinh túy của thiền.
Đến đây, tôi thấy bàn về nghi lễ như vậy thì hơi chăm. Tôi nhẫm nôm na, như vậy, chỗ gặp nhau giữa thiền và nghi lễ là đơn sơ. Và tất nhiên, đơn sơ đó phải đến độ như “không vướng mắc vào bất cứ một cái gì.”
Thế thì, phải chăng để tránh tình trạng “Lễ nghi giết chết lễ nghi” thì phải “không vướng mắc vào bất cứ một cái gì.” Và phải chăng với thiền cũng thế?

Giác Kiến,
Cốc Phương Thảo, ngày 27 tháng Chạp, Quý Tỵ.