Truyện ngắn của Võ Hồng
Chiều qua đi ngang rạp chiếu bóng Hưng
Ðạo, tôi gặp cô Châu Phi và thầy Ngân.
Tôi mừng quá:
- Chào
thầy, cô. Thầy, cô còn nhớ em không?
Cô
Châu Phi cười liền:
Thầy Ngân thì mỉm cười hiền lành:
- Sao?
Năm nay em học có khá không?
-
Cũng... thường thường bậc trung vậy thôi, thầy. Thầy, cô đi đâu đó?
- Nghe
nói có phim hay.
Cô
Châu Phi dạy Anh văn năm ngoái, còn thầy Ngân dạy Sử, Ðịa. Ðầu năm cô xin đổi
về trường Diên Khánh gần nhà, thầy Ngân xin đổi về trường Diên Lạc cũng gần
nhà. Cô Châu Phi có cái nhanh nhẹn tươi trẻ của tuổi 23-24. Tiếng cô nói to,
giảng bài ở phòng 3, bên phòng 5 nghe rõ lanh lảnh. Ðầu năm, con Minh Châu tò
mò hỏi:
-
Sao tên cô lại là Châu Phi?
Cô
mở to mắt:
- Nào
cô... có biết.
- Vậy em
cô chắc tên là Châu Á?
- Không.
Nó tên là Minh Nguyệt.
- Vậy
thì chị cô phải là Châu Âu.
- Không.
Cô không có chị.
Cô
dễ dãi xuề xòa với chúng tôi như vậy. Như một người chị đối với lũ em. Nhà cô ở
Diên Khánh, cô mời chúng tôi lên chơi. Ðường xa hơn 10 cây số, chỉ có bạn Hải
một hôm đèo xe đạp bạn Huy lên thăm, được cô cho ăn bưởi và mít. Về trường
khoe:
- Vườn
nhà cô rộng lắm bay ơi. Mít bưởi xum xuê.
Chúng tôi nài cô:
- Hôm
nào cô đem mít xuống cho bọn em ăn với.
Cô
trả lời:
- Nặng
quá, cô đèo không nổi. Ðể bữa nào cô đem cho mấy cái... hột mít, các em
đem ươm. Khi thành cây ra trái thì tha hồ hái ăn, khỏi phải chuyên chở xa xôi
nặng nhọc. Nói vậy nhưng hôm làm tiệc liên hoan cuối năm, cô cũng chở xuống cho
một trái mít chín bự sư.
Thầy Ngân điềm đạm ít nói. Chuyên nghiên cứu về Sử, nghe nói có sách hay là khó
khăn bao nhiêu cũng tìm cách mua cho được. Ðầu năm kia khi trường chưa có giáo
viên thể dục, thầy cầm máy vi âm điều khiển giờ thể dục. Khi trường có thầy Năm
về dạy thể dục thì thầy chuyển qua phụ trách báo chí, văn nghệ. Chúng tôi nói:
- Sao
thầy bỏ qua võ cũng được, bỏ qua văn cũng hay, tài quá Lục Vân Tiên vậy thầy?
Thầy cười:
- Bởi võ
không giỏi văn không hay nên ai thay lúc nào cũng được.
Tính Thầy khiêm tốn vậy thôi, chớ tôi nghe nhiều thầy cô khen kiến thức quảng
bác của thầy lắm. Thầy lại siêng năng tận tụy nữa. Năm ngoái thầy bệnh nặng mà
vừa mới đỡ là đã đạp xe xuống trường dạy, sợ chúng tôi mất bài. Ðường dài 12
cây số, xe đạp mini bánh to không hơn cái bánh tráng, lại đạp ngược gió, tới
trường thầy mệt dốc. Chúng tôi nói:
- Thôi,
thầy nghỉ đi thầy. Ðể bữa nào thật khoẻ hãy dạy.
- Da
thầy còn xanh mét, thầy dạy rồi bệnh trở lại đó. Nhưng thầy không chịu, cứ ôm
sổ sách vào lớp. Và làm đúng giáo án, bắt đầu bước thứ nhất:
- Hãy
nói nguyên nhân vì sao cuộc khởi nghĩa Võ Xương thắng lợi nhanh chóng.
Thầy dò dò đầu bút, tìm tên trong sổ điểm để gọi. Chúng tôi hoảng quá.
- Thưa
thầy chúng em tưởng thầy hôm nay còn bệnh.
- Tưởng
cái gì? Ai bệnh thì cứ bệnh, ai mạnh thì cứ học, mỗi người một phận sự. Nào xin
mời...
Chúng tôi lại la hoảng lên:
- Thưa
thầy chúng em tưởng thầy còn bệnh thật mà. Do đó chúng em không học bài.
- À, vậy
đó. Té ra hồi nãy xin mời thầy về nghỉ là bởi lẽ đó. Vậy mà làm bộ như
thương thầy lắm.
- Dạ,
thương thiệt chớ, thầy. Bọn em không có giả dối.
- Thôi
tha cho lần này. Ai thuộc thì cho đứng dậy trả lời.
Cả
lớp ngồi im như một ruộng lúa đang trổ giữa trưa nắng. Thầy cầm viên phán đứng
dậy.
- Tạm
tha cho lần này. Kỳ sau hỏi lại. Kỳ sau hỏi hai bài.
Ngoài cô Châu Phi và thầy Ngân, đầu năm học này có thêm mấy thầy cô rời trường
Tân Lập chúng tôi để tới một trường khác. Có thầy cô dẫu ra đi nhưng vẫn còn
nhớ trường nhớ lớp, hễ có dịp rảnh là ghé lại thăm lớp thăm trường. Như cô
Thanh Tâm, có hôm đi ngang qua trường thấy lớp xưa mình chủ nhiệm đang làm lao
động, liền dừng xe. Cô Hoàng, chủ nhiệm mới, quay lại hỏi:
- Bộ tới
dành lại lớp của mình hả?
Cô
Thanh Tâm cười:
- Tới
làm giúp cho, còn làm bộ.
- Vậy
thì lại đào cái hố kia.
- Sợ gì!
Ðưa cái cuốc đây cho cô mượn em Trúc.
Trúc gìữ chặt cái cuốc:
- Không,
em không đưa. Ðể bọn em đào. Cô ghé lại chơi, ai lại...
Cô
Thanh Tâm cười với cô Hoàng:
- Ðó,
học trò của em nó nặng tình nặng nghĩa ghê chưa. Ðâu có tệ như chị? Nào, Trúc
lại đây cô hôn một cái. Một bạn gái nhỏ chạy vọt tới:
- Cô hôn
em trước đã. Em cũng ngoan như Trúc.
- À,
Thành Trai! Má đẻ con gái mãi, ao ước nó thành con trai nên đặt tên là Thành
Trai. Sao? Bệnh phong thấp của má có bớt không?
Những cô giáo và những học trò nhỏ được nối liền nhau bằng tình nghĩa. Dẫu xa
cách nhau, dây tình nghĩa có trùng đi nhưng không đứt không lìa. Thầy giáo cô
giáo coi học trò mình như đứa em, như cháu, như con. Ðó là một thứ tình cảm
không tính toán, không so đo, gần như thứ tình thương của người mẹ. Cha tôi hay
nhắc đến một ông thầy cũ của mình:
- Ông
giờ đã 74 tuổi rồi. Suốt đời dạy học, dễ có đến một hai vạn học sinh. Ông
thương học sinh như con và hẳn nhiên là học sinh cũng coi ông như cha. Thương
con mà đông như vậy thì cha tha hồ cực, gia dĩ cha lại thanh bần. Thôi thì
thằng này đám cưới, con kia đám hỏi, đứa nọ ốm đau, đứa khác gặp rủi ro. Ông
chạy giúp cho đứa này, chạy lo cho đứa khác. Nhưng tệ nhất là cũng có đứa đánh
lừa ông, mượn đỡ tiền rồi cuỗm luôn, hoặc nhờ ông bảo lãnh cho đi vay rồi quịt
nợ. Ông phải ì ạch lo trả. Nhưng rồi vẫn giúp vẫn lo. Y như một người mẹ.
Chắc họa hoằn lắm mới gặp một người học trò xử tệ. Cái tâm lý này thì phổ quát
hơn, đó là "người ta thường thân ái với bạn đồng lứa hơn là thân ái với thầy".
Hình như ông Voltaire có nói vậy.