Theo giới luật dành cho người xuất gia,
chư tăng ni không được phép nhận tiền hay thậm chí không được trao đổi hàng hóa
hoặc buôn bán với người cư sĩ. Họ sống hoàn toàn nhờ vào phương thức chia sẻ tự
nguyện.
Người cư sĩ cúng dường các món vật dụng cần thiết cho người xuất gia,
trong khi đó, người xuất gia dành cho những người hộ đạo món quà giáo pháp.
Đúng như lý tưởng, và phần lớn được thể hiện trong thực tế, đây là một sự trao
đổi xuất phát từ tận đáy lòng, một điều hoàn toàn tự nguyện. Có nhiều câu
chuyện trong kinh điển nhấn mạnh rằng, những gì nhận lại được từ phương thức
này, được gọi là phương thức chia sẻ công đức, phụ thuộc không phải vào giá trị
vật chất của vật chia sẻ, mà phụ thuộc vào sự thanh tịnh trong tâm của người
chia sẻ cũng như người thọ nhận. Chúng ta cúng dường vật dụng phù hợp với tình
huống và phương tiện mình có, bất cứ khi nào và ở đâu mà lòng mình thực sự muốn
chia sẻ. Với người xuất gia, điều này có nghĩa là vì lòng từ bi, chúng ta giảng
dạy những gì cần giảng dạy, bất kể là điều đó có được tiếp nhận hay không. Với
người cư sĩ, điều này có nghĩa rằng chúng ta chia sẻ những gì mình có được và
cảm thấy có nhu cầu muốn chia sẻ như vậy.
Không có giá nào dành cho giáo pháp,
ngay cả “gợi ý cúng dường” cũng không được phép. Người nào xem việc giảng dạy
giáo pháp hay cúng dường vật dụng như là để trả công cho một ân huệ nào đó thì
đáng bị chê cười là ham lợi. Thay vào đó, chúng ta cho đi vì đó là một hành
động tốt cho tâm và vì sự tồn tại của giáo pháp như là một nguyên tắc sống phụ
thuộc vào sự phát tâm chia sẻ hằng ngày.