Khả năng chữa trị của tâm bồ-đề

Tâm bồ-đề (Bodhichitta) có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit, có nghĩa là tâm giác ngộ. Cũng giống như bơ tiềm ẩn trong sữa và dầu tiềm ẩn trong hạt mè, chốn bình yên của tâm bồ-đề luôn tiềm ẩn trong bạn và tôi. Có thể xem tâm bồ-đề như khả năng yêu thương của mỗi chúng ta. Dù cho chúng ta có xấu xa, ích kỉ, tham lam như thế nào chăng nữa, thì tâm bồ-đề vẫn không thể mất đi, mãi mãi trong cuộc sống này, vẹn nguyên, không bao giờ sứt mẻ.

Người ta cho rằng, những lúc khó khăn thì chỉ có tâm bồ-đề mới giải quyết được. Khi con người chẳng thấy chút sức sống nào, khi mà con người sẵn sàng buông xuôi, thì khả năng chữa trị sẽ dễ được nhận ra ngay trong nỗi thống khổ mà họ đang chịu. Ở một khía cạnh nào đó thì tâm bồ-đề được xem là lòng bi mẫn, tức là khả năng cảm nhận được nỗi đau mà chúng ta chia sẻ với người khác. Do không nhận ra sự tồn tại của tâm bồ-đề, chúng ta lúc nào cũng tự bảo vệ mình khỏi nỗi đau, vì chúng ta sợ mình đau khổ. Chính vì quá sợ bị tổn thương, chúng ta đã tự tạo ra những bức tường thành bảo vệ, bằng những chiến lược, những ý kiến, những định kiến và xúc cảm. Cũng giống như đá quý bị vùi trong đất hàng triệu năm nhưng không bị phai màu hay hư hỏng, thì tâm bồ-đề cũng vẫn vẹn nguyên khi chúng ta dùng mọi cách để bảo vệ mình khỏi chính nó. Viên đá quý có thể được đem ra ánh sáng bất cứ lúc nào và vẫn sáng lấp lánh như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Tâm bồ-đề chỉ xuất hiện khi chúng ta không còn tự giấu mình khỏi sự sinh tồn mong manh. Tâm bồ-đề sẽ thức tỉnh khi chúng ta biết chia sẻ những thống khổ của người khác. Chúng ta có thể luyện tập tâm bồ-đề để cho tâm mình được rộng mở đủ để cảm nhận nỗi đau của cuộc đời, để nỗi đau đó chạm vào tim ta, và chuyển thành lòng bi mẫn.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch


>>> Thích nghi với vô thường 0 | 1