Đã đến lúc phải hành động

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng, đương đầu với những thử thách cam go nhất mà nhân loại chưa từng đối mặt: những hậu quả về sinh thái do cộng nghiệp của chúng ta gây ra. 


Trong quá trình chuẩn bị khẩn trương cho Hội nghị quan trọng về Hiệp ước Khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen vào tháng 12 năm 2009, Tuyên ngôn sau đây sẽ trình bày cho giới truyền thông quốc tế một quan điểm tâm linh độc đáo về tình trạng thay đổi khí hậu và trách nhiệm cấp bách trong việc đưa ra các giải pháp cho tình trạng này. Bản Tuyên ngôn này xuất phát từ sự đóng góp của hơn 20 vị Thầy thuộc các truyền thống Phật giáo được ghi lại trong cuốn “Giải pháp của Phật giáo cho Tình trạng Khẩn cấp về Khí hậu.” “Đã đến lúc phải hành động” là một tài liệu được soạn thảo như một Tuyên bố chung cho giới truyền thông do Tiến sĩ David Tetsuun  Loy và Tỳ Kheo Bodhi thực hiện, với những đóng góp về phương diện khoa học của Tiến sĩ John Stanley.
Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đầu tiên ký Tuyên ngôn này. Chúng tôi xin mời tất cả thành viên của cộng đồng Phật tử thế giới có quan tâm đến vấn đề này, hãy nghiên cứu tài liệu và góp thêm tiếng nói của mình bằng cách cùng ký vào Tuyên Ngôn ở cuối trang.  


Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng, đương đầu với những thử thách cam go nhất mà nhân loại chưa từng đối mặt: những hậu quả về sinh thái do cộng nghiệp của chúng ta gây ra. Xác minh khoa học đã quá rõ ràng: hoạt động của loài người đã gây ra sự hủy hoại môi trường trên toàn hành tinh. Đặc biệt hiện tượng trái đất nóng dần đang diễn ra càng lúc càng nhanh hơn dự đoán trước đây, rõ ràng nhất là ở Cực Bắc. Trải qua hàng trăm ngàn năm, Bắc Băng Dương được bao phủ bởi một biển băng rộng bằng diện tích nước Úc – nhưng bây giờ biển băng này đang tan rất nhanh. Vào năm 2007, Ủy Ban Liên Chính Phủ về Hiện Tượng Trái Đất Nóng Dần (IPCC) dự báo rằng vùng Bắc Cực sẽ không có băng biển vào mùa hè trước năm 2100. Bây giờ rõ ràng là điều này sẽ xảy ra trong vòng một hay hai thập kỷ tới đây. Tảng băng khổng lồ của Greenland cũng tan dần nhanh hơn dự đoán. Mực nước biển trong thế kỷ này sẽ tăng lên ít nhất là một mét - bấy nhiêu cũng đã đủ để làm ngập lụt các thành phố ven biển và các cánh đồng lúa phì nhiêu như đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam.

Những dòng sông băng trên toàn thế giới đang rút xuống nhanh. Nếu các chính sách kinh tế cứ tiếp tục như hiện nay, thì ngay cả các dòng sông băng vùng châu thổ Tây Tạng, nguồn của các dòng sông lớn cung cấp nước cho hàng tỷ người ở châu Á, sẽ biến mất trong vòng 30 năm. Hạn hán khắc nghiệt và mùa màng thất thu đã và đang ảnh hưởng đến Úc và Bắc Trung Hoa. Các báo cáo chính - từ Ủy Ban Liên Chính Phủ về Hiện Tượng Trái Đất Nóng Dần, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, và Liên Hiệp Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên - đều thống nhất rằng, nếu không có sự thay đổi định hướng chung, thì các nguồn nước, thực phẩm và các nguồn tài nguyên khác đang cạn kiệt dần sẽ tạo ra nạn đói, chiến tranh giành giật tài nguyên, và sự di dân ồ ạt sẽ diễn ra vào giữa thế kỷ này – theo ông trưởng cố vấn khoa học Anh Quốc, có lẽ là trước năm 2030.

Hiện tượng trái đất nóng dần ảnh hưởng đáng kể đến các khủng hoảng sinh thái khác, bao gồm sự diệt vong của nhiều loại thực vật và động vật cùng chung sống với chúng ta trên hành tinh này. Các nhà đại dương học cho biết rằng phân nửa lượng khí carbon thải ra do đốt nhiên liệu hóa thạch đã ngấm vào đại dương, làm tăng độ axít (độ chua) khoảng 30%. Quá trình bị axít hóa này đang làm phá vỡ quá trình tích lũy canxi của các loại nghêu sò và đá san hô, đồng thời đang đe dọa sự sinh trưởng của nhiều phiêu sinh vật - một nguồn tạo nên dây chuyền thực phẩm cho các loài sinh vật biển. Các nhà sinh vật học hàng đầu và các bản tường trình của Liên Hiệp Quốc đều thống nhất rằng “kiểu thương mại như xưa nay” sẽ đưa một nửa trong số tất cả các loài sinh vật trên trái đến chỗ diệt chủng trong thế kỷ này. Nhìn chung, chúng ta đang vi phạm nguyên tắc đạo đức thứ nhất – không sát hại các loài sinh vật – trên một bình diện lớn nhất hiện nay. Và chúng ta không thể lường trước được các hậu quả về sinh học cho loài người khi quá nhiều các loài sinh vật âm thầm đóng góp cho sự bình an của mình mất đi trên hành tinh này.

Nhiều nhà khoa học đã kết luận rằng sự sinh tồn của văn minh nhân loại đang bị đe dọa. Chúng ta đang ở vào một giai đoạn nghiêm trọng trong sự tiến hóa xã hội và sinh học của chúng ta. Chưa có thời kỳ nào quan trọng hơn trong lịch sử mà chúng ta cần đến Pháp Phật để can thiệp đến vấn đề này vì lợi ích cho tất cả vạn loại chúng sinh như lúc này. Bốn Chân Lý Cao Quý là cơ sở lý thuyết để chúng ta chẩn đoán tình trạng hiện nay và vạch ra những phương hướng cụ thể - bởi vì những đe dọa và tai hại mà chúng ta đang phải đương đầu có nguồn gốc căn để từ tâm của con người, và vì vậy đòi hỏi phải có sự thay đổi từ sâu trong tâm chúng ta. Nếu đau khổ của cá nhân bắt nguồn từ tham lam và vô minh - tức là từ ba yếu tố độc hại tham lam, sân hận và si mê - thì tương tự như vậy, đau khổ đang dày vò chúng ta trên bình diện toàn cầu cũng bắt nguồn từ các yếu tố ấy. Tình trạng khẩn cấp về môi sinh là một phiên bản lớn hơn của những tình trạng khó khăn triền miên của con người. Với tư cách cá nhân và với tư cách là một loài sinh vật, chúng ta đau khổ do ý niệm về ‘tôi’ tách rời với người khác và với cả Trái đất. Như Thầy Nhất Hạnh đã nói, “chúng ta có mặt ở đây là để đánh thức sự mê lầm về ý niệm tách biệt của mình.” Chúng ta cần phải thức tỉnh và nhận ra rằng Trái đất là Mẹ và cũng là nhà của chúng ta – và trong trường hợp này, chúng ta không thể tách rời rốn Mẹ. Khi Trái đất đau, chúng ta đau, vì chúng ta là một phần của Đất Mẹ.

Các mối quan hệ về phương diện kinh tế và công nghệ của chúng ta hiện nay với các phương diện khác trong sinh quyển là không bền vững. Để cứu vãn các giai đoạn chuyển tiếp khó khăn trước mắt, lối sống và mong cầu của chúng ta phải thay đổi. Điều này liên quan đến các thói quen mới và những giá trị mới. Giáo lý Phật giáo cho rằng sự lành mạnh toàn diện của cá nhân và xã hội phụ thuộc vào sự bình an nội tại của chúng ta, chứ không phải chỉ dựa trên các chỉ số kinh tế, đã giúp chúng ta quyết định những thay đổi cá nhân và xã hội mà chúng ta phải thực hiện.

Ở phạm vi cá nhân, chúng ta phải làm những việc nhằm tăng thêm ý thức về môi sinh hằng ngày và giảm đi lượng khí thải carbon gây ô nhiễm môi trường của chúng ta. Những ai đang sống trong các nền kinh tế phát triển tiên tiến cần phải trang bị và bảo vệ gia đình và công sở bằng những phương tiện có thể tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; giảm độ ấm ở máy ổn nhiệt vào mùa đông và bớt độ mát lạnh vào mùa hè; sử dụng các dụng cụ điện và bóng đèn có hiệu năng tốt, tắt các dụng cụ điện không sử dụng; sử dụng xe hơi tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm và hiệu năng nhất trong khả năng có thể; giảm ăn thịt, ủng hộ cách ăn uống lành mạnh, dựa trên thảo mộc, và thân thiện với môi trường.

Những hoạt động cá nhân này tự nó chưa đủ để ngăn chặn những hiểm họa trong tương lai. Chúng ta còn cần phải tạo ra sự thay đổi nơi công sở của mình, cả về mặt công nghệ lẫn kinh tế. Chúng ta phải “phi carbon hóa” các hệ thống năng lượng của mình càng sớm càng tốt bằng cách thay đổi các nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng mới vô hạn, vô hại và hài hòa với tự nhiên. Đặt biệt chúng ta phải dừng ngay việc xây dựng các nhà máy than mới, vì cho tới nay, than là một loại nhiên liệu thải carbon trong không khí gây ô nhiễm môi trường nhất và nguy hiểm nhất. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều và năng lượng địa nhiệt được tận dụng một cách khôn ngoan sẽ cung cấp cho chúng ta nguồn điện cần thiết mà không gây hại cho sinh quyển. Khoảng một phần tư carbon thải ra trên toàn thế giới bắt nguồn từ sự hủy hoại rừng, cho nên chúng ta phải ngăn chặn nạn phá rừng, đặt biệt là vành đai rừng nhiệt đới quan trọng, nơi có nhiều loại động vật và thực vật sinh sống nhất.

Gần đây, vấn đề cũng đã trở nên rõ ràng rằng cần có những thay đổi đáng kể trong phương thức xây dựng hệ thống kinh tế của chúng ta. Hiện tượng trái đất nóng dần liên quan mật thiết với một lượng năng lượng khổng lồ mà các ngành công nghiệp của chúng ta ngốn đi để cung cấp mọi mức độ tiêu dùng mà rất nhiều người trong chúng ta mon men mong mỏi. Theo quan điểm Phật giáo, một nền kinh tế lành mạnh và bền vững là nền kinh tế dựa trên nguyên tắc vừa đủ: chìa khóa của hạnh phúc là sự biết đủ và hài lòng chứ không phải là sự dư thừa hàng hóa không ngừng gia tăng. Động cơ thúc đẩy tiêu thụ ngày càng nhiều là biểu hiện của lòng tham, mà theo Đức Phật, đó chính là nguồn gốc của khổ đau.

Thay vì một nền kinh tế nhắm vào lợi nhuận và đòi hỏi sự tăng trưởng liên tục để tránh sụp đổ, chúng ta cần phải cùng nhau hướng đến một nền kinh tế cung cấp một mức sống vừa lòng cho mọi người đồng thời cho phép chúng ta phát triển tối đa các tiềm năng của mình (kể cả tiềm năng tâm linh) một cách hài hòa với sinh quyển, nhằm duy trì lâu dài và nuôi dưỡng tất cả các mạng sống, kể cả các thế hệ tương lai. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị không thể nhận ra sự khẩn cấp của tình trạng khủng hoảng toàn cầu, và không đặt lợi ích lâu dài của nhân loại lên trên lợi ích ngắn hạn của các công xưởng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, chúng ta cần phải thách thức họ bằng các cuộc vận động công dân hành động một cách kiên trì.

Tiến sĩ James Hansen của NASA và các nhà khí hậu học khác vừa mới xác định các mục tiêu một cách chính xác và cần thiết để ngăn chặn hiện tượng trái đất nóng dần lên đến mức độ thảm họa. Để cho văn minh nhân loại còn tồn tại lâu dài, lượng CO2 an toàn trong không khí không được quá 350 phần triệu (ppm). Mục tiêu này đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với nhiều vị từng đoạt giải Nobel và các nhà khoa học xuất sắc ủng hộ. Tình trạng của chúng ta hiện nay là đặc biệt đáng lo ngại vì lượng CO2 hiện tại đã lên đến 387 phần triệu, và đang tăng dần với mức 2 phần triệu mỗi năm. Vấn đề chúng ta đang phải đương đầu không chỉ là giảm lượng carbon thải ra mà còn phải làm sao làm tan đi lượng khí carbon quá lớn đã có trong khí quyển.

Là những người ký bản tuyên bố này dựa trên các nguyên tắc Phật giáo, chúng tôi đã nhận thấy sự thách thức có tính khẩn cấp của hiện tượng trái đất đang nóng dần. Chúng tôi cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma tán thành mục tiêu 350 phần triệu. Theo giáo lý của Phật giáo, chúng ta hãy nhận lấy trách nhiệm cá nhân cũng như trách nhiệm tập thể thực hiện bất cứ điều gì có thể để đạt được mục tiêu này, bao gồm (nhưng không giới hạn ở) sự hưởng ứng cá nhân cũng như xã hội như được đề ra ở trên.

Cơ hội hành động đã mở ra cho chúng ta để bảo vệ nhân loại thoát khỏi những hiểm họa sắp xảy ra và góp phần cứu vãn những hình thức sống đa dạng và tươi đẹp của nhiều loài trên Trái Đất. Các thế hệ tương lai, và những sinh vật khác đang cùng chung sống trong sinh quyển này, sẽ không lên tiếng cầu xin lòng từ bi, trí tuệ và sự lãnh đạo của chúng ta. Chúng ta phải biết lắng nghe sự im lặng của các thế hệ và các sinh vật ấy. Và hơn thế nữa, chúng ta phải biết lên tiếng và hành động thay cho các thế hệ và các sinh vật này.


Tác giả: Bhikkhu Bodhi và John Stanley
Người dịch: Giác Kiến