Nguồn: Sách Hướng về quê cũ lúc chiều tà của Bùi Trọng Liễu
Tôi mượn đầu đề của bài ca “Tự nguyện”
của Trương Quốc Khánh [1]
Tôi xin mào đầu cho kỹ, kẻo gây hiểu
lầm, bị chửi oan.
Thời gian gần đây, một số người bước
vào tuổi già, nhìn lại quá khứ của mình, muốn điểm lại xem có gì đáng hối tiếc
không.
Khi người ta tự nguyện để đóng góp
cho một mục đích cao cả trừu tượng, thì chẳng có gì phải hối tiếc. Vấn đề chỉ đặt
ra khi mục đích cao cả do một người hay một nhóm người vạch đường chỉ lối cho.
Nếu họ vô tình hay cố ý vạch sai mục đích, thì sao ? Lại càng có vấn đề khi sự
tự nguyện này mang nghĩa tình nguyện gia nhập vào một đội ngũ để đạt tới mục
đích cao cả được vạch ra như thế. Tôi đã từng nghe có bạn nói rằng bạn ấy được
« giác ngộ », và tình nguyện gia nhập vào đội ngũ kiểu như nói trên. Tôi thiết
tưởng không dễ như vậy. Ở những nước có truyền thống dân chủ, tự do, sự tình
nguyện gia nhập là có thực – thí dụ như ở Pháp, tôi thấy không ít người ghi tên
lấy thẻ đảng viên vào này đảng nọ, đảng cầm quyền hay đảng đối lập, kể cả đảng
Cộng sản, rồi lúc nào không đồng ý, thì bỏ ra khỏi đảng. Nhưng ở một thể chế
nào toàn trị, chỉ có một đảng cầm quyền chuyên chế, dù là chuyên chế dựa trên
tôn giáo hay dựa trên một học thuyết trần tục, ai cho phép tự nguyện gia nhập
hàng ngũ ? Ở những thể chế đó, phải được « kết nạp » (tiếng Pháp là
cooptation). Ai đã quen thuộc với hình thức kết nạp – thí dụ như ở Pháp [2],
các nhà khoa học ở hàng giáo sư đại học hạng cao kết nạp lẫn nhau, chính quyền
không can thiệp vào, mặc dù Tổng thống Pháp ký sắc lệnh bổ nhiệm cho long trọng,
và vì giáo sư đại học ở Pháp tới nay (nếu có quốc tịch Pháp) là công chức nhà
nước [3] – tất nhiên biết bầu bán như thế nào. Với hồ sơ khoa học, đôi khi còn
có vấn đề. Huống chi dưới một thể chế toàn trị, ai cho biết tiêu chuẩn kết nạp
là gì ? Nhưng chắc tiêu chuẩn không phải là sự kết nạp theo may rủi ngẫu nhiên
[4].
Nói vậy, chẳng phải tại là tả khuynh
hay hữu khuynh [5].
Ngoài ra lại còn vấn đề « chính thống
» (« chính đáng », légitimité, legitimacy) nữa. Nếu thoáng nhìn lịch sử nước ta
qua các triều đại, thì cũng thấy mở đầu một triều đại mới, người lên cầm quyền
đều viện cớ này cớ nọ để chứng tỏ sự chính thống của mình, đôi khi kèm theo bằng
chứng về sự suy thoái, biến thể của triều đại trước. Đầu triều Lý và cuối triều
Lý, đầu triều Trần và cuối triều Trần, thinh, suy cũng có khác. Ngay cả Cách mạng
tháng 8/1945 với Hồ Chủ tịch cũng tìm nguồn « chính thống/chính đáng » của
mình, đặc biệt là qua cuộc bầu cử Quốc hội đầu năm 1946.
Tôi định cư đã lâu ở Pháp, không đủ
tiêu chuẩn để làm người Việt Nam, nên tôi chỉ là kẻ bên lề, nhưng tôi có thể
thông cảm với những ai đặt lại vấn đề « tự nguyện » trong quá khứ của mình.
Bùi Trọng Liễu
Chú thích
[1] Trương Quốc Khánh là người quê gốc Trà
Vinh nhưng được sinh ra tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày 10
tháng 10 năm 1947. Năm 21 tuổi, trong phong trào Thanh niên Sinh viên
Học sinh miền Nam, ông sáng tác tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Tự nguyện.
Cám ơn anh KV và một số anh chị khác đã cho tôi chi tiết này.
[2] Xin nhắc lại là Pháp, tuyệt đại
đa số các đại học (Universités) đều là công lập – có vài đại học tư (6 đại học
công giáo) hầu như không đáng kể – và các giáo sư (professeurs) chính thức (nếu
có quốc tịch Pháp) đều là công chức nhà nước.
[3] Không phải tình cờ mà các đại học
(Universités) chủ yếu là công lập. Nước Pháp thuở xa xưa bắt đầu theo đạo Ki-tô
(Christianisme) kể từ vua Clovis (thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên). Sau đó, dần dần
Công giáo (Catholicisme) mới lấn tới, và trở thành quốc giáo. Tùy theo thời đại,
có lúc các đạo khác, kể cả Tín lành (Protestantisme), có lúc được dung túng, có
lúc bị đàn áp. Các đại học Pháp thuở xưa – thí dụ như Sorbonne, do tu sĩ Robert
de Sorbon thành lập vào thế kỉ XIII, do tên ông này mới gọi là Sorbonne – đều
có gốc gác Công giáo mà ra. Có lúc vua Pháp còn « ép » cả giáo hoàng mang về đặt
ở Avignon, làm cho quân quyền và thần quyền hoà lẫn với nhau. Phải trải
qua nhiều biến cố, cách mạng, Nhà nước Pháp, qua các thỏa ước (Concordats) mới
tách được Universités ra khỏi tay của giáo hội, vì lợi ích của dân tộc và nước
Pháp. Nước Pháp là nước tư bản chủ nghĩa, không phải là Cộng hoà « xã hội hóa »
– « xã hội hóa » theo nghĩa môt số người Việt Nam loạn ngôn dùng hiện nay,
nghĩa là « tư nhân hóa » ngày nay – nhưng coi Nhà nước có bổn phận bảo đảm quyền
lợi, tự do, công bằng, cho mọi công dân. Nói vậy, không có nghĩa là mọi việc đều
« an bình », mặc dù chế độ này theo tam pháp phân quyền, có sự độc lập giữa quyền
lập pháp, quyền tư pháp, và quyền hành chính. Một thí dụ tiêu biểu nhất có lẽ
là trường hợp hai ông cựu tổng thống : cựu tổng thống Chirac (người phái hữu)
khi hết nhiệm kỳ, bị mấy tay quan toà (magistrats) truy tố về việc lạm tiêu
cách đây đã hơn 15 năm – khi ông ta làm thị trưởng Paris (1977-1995) – trong
khi cựu tổng thống Mitterrand (người phái tả), khi tại chức cũng như khi về
hưu, không hề bị ai kiện cáo về tội dùng tiền Nhà nước để nuôi nhân tình và con
gái hoang trong suốt 14 năm tại chức (1981-1995) – [nguồn : « Des juges
au-dessus de tout soupçon ? », (Không nên nghi ngờ đám quan toà ?), bài của Guy
Sorman, đăng trong nhật báo Le Figaro, 9/2/2010, trang 14], không kể những lúc
lợi dụng phương tiện quyền thế để bịt miệng những ai có khả năng tiết lộ sự tồn
tại của con gái hoang của mình.
Nhắc thêm là Avignon là một
thành phố ở miền Nam nước Pháp, cách thủ đô Paris khoảng 700 km. Năm 1309, xứ
La-mã loạn, giáo hoàng Clemens V chuyển tòa thánh từ Roma về Avignon, và tòa
thánh đóng ở đó, trải 7 đời giáo hoàng cho đến 1376 (bảy vị này là Clemens V,
Joannes XXII, Benedictus XII, Clemens VI, Innocentius VI, Urbanus V, Gregorius
XI). Nay ở đó còn thành quách, và Château des Papes (lâu đài các giáo hoàng), một
lâu đài kiến trúc kiểu gô-tíc (gothique) lớn nhất thế giới. Sau đó, trong cuộc
« Đại phân ly trong giáo hội » kéo dài từ 1378 đến 1417, hai giáo hoàng « không
chính thống » là Clemens VII và Benedictus XIII, vẫn ở Avignon. Vị Benedictus
XIII này không chịu thoái vị khi hội nghị giám mục Concile de Constance họp truất
ngôi năm 1417 ; vị lánh nạn sang Tây-ban-nha, và chết ở đó. Vì hai vị này là «
giáo hoàng không chính thống », nên danh hiệu của các vị sau này có các giáo
hoàng (chính thống) khác dùng lại như Clément VII và Benedictus XIII.
Cũng xin nói thêm là tôi rất lúng
túng trong việc nói về niên đại : tôi bất đắc dĩ phải dùng cụm từ « trước Công
nguyên » hay « sau Công nguyên », vì dùng từ Tây lịch như một số tác
giả cũng rất lơ mơ, vì Tây lịch nào? Lịch Julien hay lịch Grégorien ? Rất lộn xộn.
Nhắc lại là lịch grégorien vốn là lịch
julien (lịch mà Julius Caesar phổ biến năm 46 trước Công nguyên, vì vậy mới
mang tên « julien ») được giáo hoàng Gregorius XIII ra lịnh sửa năm 1582 (vì vậy
mới mang tên « grégorien »). Sửa như vậy để năm « lịch » phù hợp hơn với với nhịp
quay của trái đất so với mặt trời 1 năm là 365,2422 ngày. Nói chi tiết hơn một
chút : Năm 532, theo những tính toán của Denys le Petit, một tu sĩ ở La-mã,
giáo hội Công giáo tính năm kể từ năm sinh của Chúa Ki-tô. Tu sĩ này cho rằng
năm sinh của Chúa Ki-tô là năm 753 sau khi La-mã được thành lập ; (nhưng ngày
nay có thuyết cho rằng ông ta nhầm mất 5 năm). Tuy vậy cách đề năm này cũng phải
đợi nhiều thế kỉ mới được các nước theo đạo Công giáo chấp nhận. Thí dụ như vào
thế kỉ thứ IX, thời hoàng đế Charlemagne, người ta còn đề năm theo năm lên ngôi
của vua, đại khái theo kiểu Tàu, kiểu ta thuở xưa. Đến cuối thời Trung cổ, một
số nhà thiên văn nhận xét rằng sự chênh lệch giữa mỗi « năm lịch julien » và «
năm mặt trời » là 11 phút 14 giây. (Có thuyết cho rằng kỳ thật ra, nhà thiên
văn Hy-lạp Hipparque, thế kỉ thứ II trước Công nguyên, đã biết « năm mặt trời »
lâu bao nhiêu, trước khi Caesar định lịch Julien). Đến thế kỉ 16 thì tổng cộng
sự chênh lệch giữa «lịch julien » và « lịch mặt trời » lên đến 10 ngày, cho nên
năm 1582, giáo hoàng Gregorius XIII cho sửa lại cho hợp (và do đó được gọi là lịch
Grégorien) : Trước hết là quyết định rằng sau ngày thứ năm mồng 4 tháng 10 năm
1582 là ngày thứ sáu 15 tháng 10 năm 1582 (nghĩa là nhảy cóc 10 ngày). Thứ nhì
là bỏ đi một số năm nhuận (năm đầu của 3 thế kỉ trên 4 thế kỉ, chỉ có 365 ngày
; vì thế nên những năm 1700, 1800, 1900 không có ngày 29 tháng 2, nhưng năm
2000 thì lại có). Với sự hiệu chỉnh như vậy, ngày nay sự chênh lệch giữa « lịch
Grégorien » và nhịp quay của trái đất chỉ khoảng là 1 ngày sau 3 nghìn năm. Thoạt
đầu chỉ có hai nước Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha là áp dụng ngay lịch Grégorien ;
nước Pháp thì 2 tháng sau ; nước Anh theo năm 1752 ; Nhật và Trung Quốc năm
1911, Nga năm 1918, Hy-lạp năm 1923, vv. Ngày nay hầu hết các nước, có lẽ trừ
các nước Hồi giáo, đều theo lịch này. Nhưng vì các nước không áp dụng lịch này
cùng một lúc, cho nên cần thận trọng việc « đọc » thời điểm các sự kiện lịch sử.
Thí dụ cuộc « Cách mạng tháng Mười » của Nga, lúc đó đang dùng lịch julien, xảy
ra vào tháng 11. Hoặc có người lưu ý rằng hai nhà văn hào Cervantes (Miguel de
Cervantes Saavedra, người Tây-ban-nha, tác giả của Don Quijote de la Mancha,
...) và Shakespeare (William Shakespeare, người Anh, tác giả của «Othello », «
Macbeth », « Romeo và Juliet », ...) cùng được ghi chết ngày 23 tháng 4 năm
1616, nhưng hóa ra lại chết cách nhau 11 ngày. Napoléon Bonaparte, thuở trước
là tướng, rồi Consul thời cộng hòa, sau khi lên ngôi và trở thành hoàng đế
Napoléon I, bỏ lịch cộng hòa năm 1806, và lập lại lịch grégorien. Lịch cộng hòa
còn được « hồi sinh » trong thời gian ngắn ngủi thời Công xã Paris (La Commune
de Paris : từ 6 đến 23/5/1871).
[4] Ý tôi muốn nói may rủi như mấy
thí dụ sau đây:
Trong cuốn “Cổ học tinh hoa” của
Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, bản nxb Thọ Xuân Sài Gòn 1962, quyển 1, trang
119 và 120), các tác giả kể:
Theo Úc Ly tử : Có một anh nông dân
phơi cỏ ở chân giậu, nghe tiếng kêu « tích tích », lật cỏ lên thì bắt được một
con trĩ. Anh ta mừng, cứ để cỏ đấy hy vọng hôm sau lại bắt được con trĩ khác.
Hôm sau ra lại nghe tiếng kêu « tích tích », lật cỏ lên thì có con rắn cắn vào
tay, anh ta bị nọc đọc mà chết.
Trong sách của Hoài Nam tử: Có ông
già, nhà ở biên thùy nước Tàu với nước Hồ (Hung-nô), có con ngựa tự nhiên sổng
chuồng chạy sang nước Hồ. Người quen đến thăm, ai nấy đều than phiền hộ. Ông ta
bảo: “Mất ngựa đây, nhưng biết đâu lại là cái may”. Sau một thời gian, con ngựa
bỗng trở về, kéo theo một con ngựa tốt nữa. Người quen đến mừng, ông lão nói:
“Được ngựa đấy, nhưng biết đâu lại là cái rủi”. Từ khi được ngựa tốt, con giai
ông già thích cưỡi, chẳng may ngã ngựa, bị què. Người quen đến hỏi thăm, ông lão
nói: “Con tôi què, nhưng biết đâu lại là cái may đấy !”. Một năm sau, có giặc Hồ,
vua sai bắt lính đi đánh giặc, lính chết nhiều. Con trai ông lão vì què, nên
không bị đi lính, cha con vẫn gần nhau.
[5] Xin « loạn bàn » một chút về câu
chuyện tả hữu. Tả và hữu đây, tới nay, vẫn dùng theo nghĩa nhìn từ chủ tọa nghị
viện về phía các nghị viên. Nhưng nếu lý luận theo kiểu hồng vệ binh Trung quốc
thời Mao, thì chính quyền phải thuộc về nhân dân, nhân dân làm chủ, cho nên, hữu
thành tả, và tả thành hữu. Tiếng Việt Nam nay trong nước dùng theo nghĩa nào,
tôi thực sự không biết.