Nguồn: Tia sáng 17/7/2008
Số đông dân nghèo thường chỉ học hết
bậc tiểu học là đã phải đi làm kiếm sống để nuôi bản thân và phần nào giúp gia
đình. Họ muốn học những gì cần thiết nhất để trước mắt có thể sinh sống được
trong xã hội hiện tại cái đã. Vì vậy mọi chính sách của Nhà nước và chiến lược
giáo dục hãy phải xuất phát từ thực tiễn hiện nay của số đông và nhìn về tương
lai lâu dài của sự phát triển đất nước. Tôi nghĩ trước mắt cũng như lâu dài có
ba thứ cần trang bị cho đa số học sinh nghèo ngay từ cấp một.
Tiếng Việt. Tôi muốn các thầy cô giáo dạy các em đọc thông viết thạo, bắt các em đọc to trên lớp để xem các em phát âm có đúng không, rồi bắt viết chính tả và học thuộc lòng những bài văn thơ hay. Qua mỗi lần như vậy, tôi đề nghị thầy cô giáo chấm điểm cho cả lớp biết rồi mới ghi vào sổ. Đến cuối cấp I, tôi đề nghị các thầy cô giáo giúp các em đọc một bản tin trên báo, một bài văn trong sách, viết một bức thư, một cái đơn xin việc, một thư tố cáo cán bộ tham nhũng... Tiếng mẹ đẻ là nền tảng của lịch sử, văn hóa Việt Nam, thế hệ cháu chắt những người Việt định cư ở nước ngoài nếu không còn nói được tiếng Việt thì có lẽ không còn tự coi là Việt kiều nữa, mặc dầu còn mang dòng máu Việt! Tôi tin rằng việc dạy xuất phát từ thực tiễn cuộc sống sẽ làm cho học sinh hứng thú học tập và thầy cô giáo đánh giá đúng thành tích của từng em một. Và cuối năm hiệu trưởng cũng không thể vì tư tưởng thành tích mà ép các giáo viên báo cáo sai thành tích học tập của học sinh lớp họ được.
Môn Toán. Toán cho phép học
sinh bước đầu làm quen với tư duy trừu tượng về các con số, làm thành thạo các
phép tính cơ bản. Đối với học sinh, điều gây hứng thú có lẽ là thầy cô giáo bắt
tính thử lỗ lãi trong kinh doanh của cha mẹ ở thành thị hoặc sản xuất ở nông
thôn. Cách đây trên 70 năm, khi học lớp nhất tiểu học, trong sách số học tôi đã
gặp khái niệm cổ phiếu (action), nhưng tất nhiên không hiểu gì vì khi ấy đâu đã
có thị trường chứng khoán như ngày nay! Nhưng bây giờ trên các kênh thông tin
và khi nghe cha anh chơi chứng khoán, thì việc đưa khái niệm cổ phiếu vào sách
toán bậc tiểu học ở các đô thị có lẽ không phải là một việc gượng ép mà chính
là để các em sớm tiếp xúc với cuộc sống thực tiễn. Nhưng toán trước hết là một
phương tiện không thể thiếu để sau này các em có thể đi xa vào các khoa học
chính xác và công nghệ thông tin.
Ngoại ngữ. Trên thế giới hiện
nay và có lẽ trong vài ba chục năm nữa, tiếng Anh vẫn là tiếng giao tiếp phổ biến
nhất. Trong thực tế cuộc sống hiện nay, việc biết tối thiểu hoặc bập bẹ vài câu
tiếng Anh rất cần cho anh lái xích lô, lái tắc xi và cả xe ôm chở khách, cho chị
bán hàng ở chợ cũng như ở các siêu thị và cho người đi lao động ở nước ngoài. Tất
nhiên, ngoài tiếng Anh thì người hướng dẫn du lịch còn cần biết ngoại ngữ để tiếp
các khách đến từ Nga, Trung Quốc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha... nhưng xem ra không
tiếng nào phổ biến bằng tiếng Anh. Ngoài ra các trường đại học hàng đầu trên thế
giới đều dạy bằng tiếng Anh nên việc bắt đầu dạy tiếng Anh cho học sinh từ tuổi
nhỏ là cần thiết. Vả lại càng ít tuổi các em càng dễ phát âm ngoại ngữ hơn.Những
suy nghĩ sơ bộ trên đây của tôi nếu phần nào có thể chấp nhận được thì đó là bước
đầu để chuẩn bị xây dựng chương trình, sách giáo khoa và nhất là một kế hoạch
lâu dài đào tạo cán bộ cho bậc giáo dục phổ thông trong số đó phải có hàng vạn
giáo viên ngoại ngữ.
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển